Sử dụng quỹ KCB BHYT: Phải ngăn chặn “quá tay”

17/08/2016 01:57 AM


“Quá tay” trong chỉ định dịch vụ kỹ thuật y tế; sử dụng thuốc có hàm lượng không phổ biến, khác biệt về dạng đóng gói nhằm tạo thế độc quyền đẩy giá thuốc lên cao; kéo dài thời gian điều trị không cần thiết… Nhiều chiêu trò lạm dụng quỹ KCB BHYT vẫn đang diễn ra một cách tinh vi, tạo ra những khoản chi bất hợp lý hàng ngàn tỷ đồng, lạm vào nguồn tài chính do người dân đóng góp phục vụ hoạt động KCB. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu bệnh nhân nghèo bị lấy đi cơ hội điều trị bệnh, mất đi cơ hội được cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao hơn…

KCB 160816 02.jpg

15 tỷ đồng chỉ để… thay vỏ nước cất


“Chỉ với việc thay đổi hình thức đóng gói từ ống thủy tinh sang dạng ống nhựa, chi phí cho nước cất pha tiêm được sử dụng tại một số tỉnh, thành phố và BV tuyến Trung ương năm 2014- 2015 đã bị tăng lên khoảng 15 tỷ đồng”- ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam dẫn chứng một ví dụ điển hình về sự bất hợp lý trong đấu thầu, cung ứng một số loại thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT thời gian qua.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, với 8 tỉnh trúng thầu nước cất ống nhựa trong năm 2014 và 22 tỉnh trúng thầu năm 2015, tổng giá trị nước cất ống nhựa trúng thầu lên gần 50,7 tỷ đồng. So với giá nước cất ống thủy tinh vẫn đang được sử dụng phổ biến, giá nước cất pha tiêm loại 5ml dạng ống nhựa cao gấp 2 lần so với dạng ống thủy tinh; loại 10ml có mức cao 1,5 lần. Đặc biệt, nhà cung cấp nước cất ống nhựa nhập khẩu và sản xuất trong nước đều do duy nhất một công ty độc quyền đứng tên đấu thầu.

“Chỉ với dạng đóng gói khác biệt, chất lượng chế phẩm không thay đổi, nhưng lại khiến cho quỹ BHYT và người bệnh phải chi trả thêm khoản phí chênh lệch lên tới 15 tỷ đồng là điều rất bất hợp lý”. Ông Sơn phân tích: “Trong điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, việc tiết kiệm chống lãng phí đang là vấn đề được Chính phủ và nhân dân quan tâm. Khi cần phải sử dụng thuốc đặc trị để điều trị, cứu người thì đắt mấy cũng dùng như thuốc điều trị ung thư, và thực tế có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng điều trị... Nhưng với những chi phí không cần thiết, nếu tiết kiệm được để dành số tiền đó cho những người thật sự cần, việc sử dụng Quỹ KCB BHYT sẽ hiệu quả và ý nghĩa hơn nhiều lần”. Theo ông Sơn, số tiền chênh lệch lên tới 15 tỷ đồng chỉ vì sự thay đổi bao bì chưa thật cần thiết đó có thể hỗ trợ trên 24.000 tấm thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, còn nếu sử dụng cho các dịch vụ kỹ thuật cao, có thể tương đương với trên 300 ca đặt stent tim mạch, 3.000 lần chạy thận nhân tạo, cung cấp thuốc cho bệnh nhân lao… mang lại cơ hội sống sót cho hàng nghìn người bệnh.

Ngoài ra, trong khi thực hiện thống kê các loại thuốc có chi phí lớn nhất do quỹ BHYT thanh toán phục vụ việc xây dựng danh mục thuốc thiết yếu, đưa vào gói dịch vụ y tế cơ bản, BHXH các địa phương đã phát hiện trong 20 loại thuốc có chi phí cao nhất năm 2015, nhiều cơ sở KCB đang sử dụng thuốc Gliatilin (hoạt chất Choline alfoscerate) với chi phí rất lớn. Mặc dù đây là loại thuốc được chỉ định điều trị đột qụy, chấn thương não sau phẫu thuật thần kinh sọ não (không thuộc nhóm bệnh phổ biến tại Việt Nam), nhưng việc chỉ định Choline alfoscerate lại đang chiếm đầu bảng trong các thuốc chi phí lớn. Chỉ riêng năm 2015, thuốc Gliatilin sử dụng ở các BV tuyến Trung ương đã lên đến 17,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong các thuốc được cấp số đăng ký có thành phần hoạt chất Choline alfoscerate chỉ có duy nhất 1 số đăng ký là thuốc nhập khẩu là Gliatilin và 7 số đăng ký là thuốc sản xuất trong nước. Giá thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước cùng hoạt chất này có sự chênh lệch rất lớn. Cùng với hàm lượng ống 100mg/4ml, thuốc sản xuất trong nước có giá từ 32.970- 41.000 đồng/ống; thuốc nhập khẩu có giá 69.300 đồng/ống, cao gần gấp 2 lần…

Nhiều “kỷ lục” tiêu tiền BHYT

“Có những hồ sơ bệnh án đọc mà thấy “thương” cho cái đầu gối của bệnh nhân, khi chỉ trong một ngày phải chịu can thiệp tới 6 - 7 thủ thuật”, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội chia sẻ kết quả kiểm tra tình trạng lạm dụng quỹ KCB BHYT của BHXH Thành phố tại một số cơ sở y tế thời gian qua.

Thực tế, đây không phải là trường hợp cá biệt của riêng địa bàn Hà Nội, khi BHXH Việt Nam cũng vừa đưa ra thông tin đáng báo động: Chỉ trong 6 tháng đầu năm, quỹ KCB BHYT đã bội chi gần 2.200 tỷ đồng. Cụ thể, với tổng quỹ KCB BHYT trong 6 tháng đầu năm được xác định là trên 28.220 tỷ đồng, nhưng BHXH các địa phương đã phải chi trả tới trên 30.372 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu báo cáo của các tỉnh trên toàn quốc cho thấy, trong khi số thẻ BHYT 6 tháng đầu năm chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, tổng số lượt KCB tăng 12% thì chi phí KCB ban đầu đã tăng 37,8%, với trên 12.666 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân chính được BHXH Việt Nam nhận định là tác động từ quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, người dân được tự do đến KCB ban đầu ngay tại BV tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Có vẻ như sự “tự do” của cơ sở KCB và người bệnh đã tạo lên một “cơn bão tiêu tiền” quỹ KCB BHYT. Mức chi bình quân KCB/thẻ BHYT tại nhiều địa phương trong 6 tháng đầu năm đã gia tăng chóng mặt. Cụ thể như Cà Mau, Lạng Sơn tăng 86% so với cùng kỳ năm 2015, Tây Ninh tăng 78%, Quảng Trị tăng 67%, Lào Cai tăng 69%, Bắc Giang tăng 62%, Bình Thuận tăng 62%... Đáng chú ý, số lượt KCB đa tuyến nội tỉnh (do được khám thông tuyến huyện) đã tăng trên 49%; số tiền đa tuyến nội tỉnh tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, với tổng chi phí lên tới trên 9.933 tỷ đồng.

Báo cáo từ BHXH các địa phương cho thấy, rất nhiều BV có chi phí điều trị nội trú tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm trước. Như tại Thanh Hóa, BVĐK các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Trường Xuân, Đông Sơn, Hà Trung, Nga Sơn, Quan Hóa được ghi nhận mức tăng từ 75%- 132%. Các cơ sở y tế tuyến trên như BV y học cổ truyền cũng tăng 90%, BV điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương tăng 104%... Khối BV tư nhân của Thanh Hóa cũng không kém cạnh với mức chi nội trú tại BV Hàm Rồng lên 348%, Trí Đức Thành tăng 202%, Tâm Đức Cầu Quan 137%, Mắt Bình Tâm tăng 115%, Hợp Lực tăng 92%...

Báo cáo của BHXH tỉnh Bắc Giang cũng phản ánh sự gia tăng “thần tốc” về số lượt KCB và chi phí so với cùng kỳ 2015 tại một số cơ sở y tế. Điển hình như BV y học cổ truyền Lan Q với mức tăng lượt KCB nội trú lên 135,05%, chi phí tăng đến 1.237,08%. Theo ông Thân Đức Lại- Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang, một trong những “chiêu” mà cơ sở KCB này sử dụng là tổ chức các đoàn KCB lưu động đến từng xã để khuyến khích người dân đến khám, làm tăng nhu cầu KCB, tăng cung cấp các dịch vụ y tế, đặc biệt là tăng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng sau khi các dịch vụ này được điều chỉnh tăng giá. Ước tính, chỉ với quy mô 5.993 đầu thẻ, cơ sở này có số tiền vượt quỹ sau khi trừ tăng giá trong 6 tháng đầu năm trên 3,38 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bắc Giang cũng có 2 cơ sở khác đạt “kỷ lục” về số lượt và chi phí KCB ngoại trú. Đó là BV Phục hồi chức năng (tăng 2.888,79% lượt KCB ngoại trú; chi phí tăng 1.754,84%);  PKĐK Anh Quất (tăng 2.725,45% lượt KCB; chi phí tăng 6.230,67%).

Ông Lại cho biết, trước tình trạng này, BHXH tỉnh Bắc Giang kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí KCB không hợp lý, trong đó có chi phí do cơ sở KCB tổ chức KCB theo đoàn. Giám định viên cũng tính toán công suất của nhân viên y tế, các thiết bị và thời gian cần thiết để thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của cơ sở KCB, nếu vượt quá công suất sẽ không chấp nhận thanh toán. Đồng thời, đánh giá công suất, số lượt bệnh nhân khám tại các bàn khám/ngày, nếu quá tải sẽ trừ tiền công khám như quy định của Bộ Y tế.

Trước tình trạng bội chi KCB BHYT năm 2016 đang “hết sức nghiêm trọng”, BHXH Việt Nam dự báo: Nếu số bội chi vượt quá 30%, quỹ BHYT sẽ không đủ nguồn để bổ sung số thiếu hụt này. Do đó, kiểm soát chặt chi phí KCB BHYT, đặc biệt là minh bạch chi phí đa tuyến khi thực hiện thông tuyến sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH trong những tháng cuối năm.

Do đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo các địa phương báo cáo đầy đủ tình hình KCB BHYT, an toàn quỹ với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở y tế để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách BHYT. BHXH các địa phương cần phân tích cụ thể mức độ tác động của từng yếu tố nguyên nhân dẫn tới tăng chi phí KCB, đề ra các giải pháp, chủ động phối hợp với các sở ban ngành tại địa phương kiểm soát tốt chi phí BHYT. Kiên quyết từ chối thanh toán đối với các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng quỹ BHYT…

Theo Báo BHXH