Phát huy vai trò của các cấp hội nông dân trong thực hiện BHYT toàn dân

05/07/2016 06:57 AM


Nghị quyết số 21/NQ đã nêu rõ, thực hiện chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam. Nhân Ngày BHYT Việt Nam 1/7, Trang Thông tin điện tử BHXH Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lại Xuân Môn - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

lxMon 290616.JPG
Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng các quyền của con người, chú trọng đến việc phát triển kinh tế gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước có liên quan đến bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống của người dân; nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho mọi thành viên trong xã hội trước những rủi ro, tai nạn bất ngờ đối với sức khỏe, tính mạng, sự giảm sút thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Tăng cường công tác phối hợp

Những năm qua, với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Số người tham gia BHXH, BHYT tăng cao và số nợ đọng đóng BHXH giảm thấp nhất so với những năm trước đây. Công tác tuyên truyền được đổi mới, xã hội hóa và thu hút được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. BHXH Việt Nam không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đổi mới qui trình, nghiệp vụ về đóng, hưởng BXXH, BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tham gia cũng như giải quyết các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh việc thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam cũng đã đặc biệt chú trọng quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tin học hóa trong quản lý, giải quyết các chế độ chính sách… Củng cố tổ chức bộ máy, đưa hệ thống đại lý BHXH tới xã, phường để gần dân, sát dân tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT.... Có thể nói, đây là những nỗ lực rất lớn của ngành BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách đầy nhân văn này vẫn còn một số hạn chế. Nhiều người nông dân chưa hiểu rõ về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, còn nghĩ BHXH Việt Nam như các bảo hiểm nhân thọ của các tổ chức bảo hiểm thương mại. Đội ngũ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách BHXH vẫn còn thiếu; Hệ thống đại lý làm việc theo hành chính, chưa chú ý vận động như các quỹ bảo hiểm nhân thọ khác. Ngay cả mặt chính sách  BHXH, BHYT vẫn còn bất cập, chưa đảm bảo quyền lợi cho người nông dân khi đến khám chữa bệnh, chế độ hưu trí tự nguyện chưa đảm bảo mức sống cho nông dân; Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều nơi...

Hiện nay, nông dân chiếm tỷ lệ gần 70% dân số. Là một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương xuống tận cơ sở với 95.373 chi Hội, 162.535 tổ Hội và 12.403.041 số hộ gia đình hội viên nông dân; Chúng tôi nhận thấy, nông dân tuy là lực lượng đông đảo, nhưng số người tham gia BHXH, BHYT chưa cao. Hiện tại, vẫn còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT trong số này chiếm phần lớn là nông dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT chưa cao, tuy nhiên có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như sau: Người nông dân chưa hiểu biết hết về tính ưu việt của chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước, còn so sánh với các loại hình bảo hiểm thương mại khác; Điều kiện kinh tế còn khó khăn... đã dẫn đến tình trạng khi có bệnh tự mua thuốc để điều trị tại nhà, nhiều người chỉ tham gia BHYT khi bản thân họ bị bệnh nặng; Chất lượng khám chữa bệnh tại các địa phương ở tuyến cơ sở chưa tốt dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa tạo được niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT; Công tác tuyên truyền, hướng dẫn của các ngành, các cấp chưa được thường xuyên, chưa bám sát đối tượng, chưa phủ khắp được ở mọi địa bàn; Sự phối hợp giữa Hội Nông dân với ngành Y tế, BHXH ở nhiều nơi còn chưa chặt chẽ; Đội ngũ cán bộ Hội còn thiếu kiến thức trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT; Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức với công tác này...

BHXH-HND 300516 02.JPG
BHXH Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam ký chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020

Chính vì vậy, Hội Nông dân xác định là phải tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và trực tiếp làm đại lý thu BHXH, BHYT cho nông dân ngay tại cộng đồng thôn/xóm với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhằm tạo điều kiện tối đa cho bà con nông dân được tham gia BHXH, BHYT mà không phải đi lại nhiều để làm thủ tục. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội.

Để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền này, ngày 28/9/2012, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 3885/CTr-BHXH-HND về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2015. Ngay sau đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn 63 tỉnh, thành Hội chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.

Trung ương Hội đã phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung Chương trình phối hợp, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”; Đề án của Chính phủ về thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT; Luật BHXH (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Hàng năm, Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam thống nhất xây dựng kế hoạch hoạt động để hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT.

Các tỉnh, thành Hội và BHXH các tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp để triển khai thực hiện các nội dung Chương trình phối hợp theo sự chỉ đạo của Trung ương. Theo báo cáo của các tỉnh, thành Hội, đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành Hội đã chủ động phối hợp với BHXH các tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT. Qua đó, đã thể hiện được sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự tổ chức thực hiện nhất quán sự chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương cũng đã được các tỉnh, thành Hội chỉ đạo và triển khai kịp thời đến các địa phương, cơ sở Hội. Các tỉnh, thành Hội đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội lồng ghép các nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT; xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở; xây dựng và duy trì các mô hình “BHYT toàn dân” và mô hình “BHXH tự nguyện” nhằm giúp nông dân tham gia được thuận tiện.

Kết quả khởi sắc

Trung ương Hội tổ chức được 40 hội nghị đối thoại, phổ biến chính sách BHYT, BHXH với sự tham gia của gần 10.000 cán bộ và hội viên nông dân ở địa bàn 20 tỉnh, thành phố. Các cuộc đối thoại đều được hội viên, nông dân quan tâm tham gia đầy đủ và trao đổi nhiệt tình, thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; thời gian, độ tuổi và chế độ BHXH tự nguyện; thời gian mua thẻ và hiệu lực của thẻ BHYT, các ý kiến tham gia về khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, việc chuyển tuyến khám chữa bệnh khi tham gia BHYT... và những khó khăn của hội viên, nông dân đã gặp phải trong quá trình tham gia BHXH tự nguyện, BHYT

Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với BHXH cùng cấp tổ chức được 19.258 các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, đối thoại chính sách và các cuộc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân ở địa bàn nông thôn.

Các đơn vị thông tin đại chúng của Hội đăng tải được hơn 300 tin, ảnh và bài viết tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH và BHYT. Các tỉnh, thành Hội đăng tải hơn 10.000 tin, bài về công tác BHXH tự nguyện và BHYT trên Bản tin nội bộ và trên các trang website của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, đài phát thanh địa phương.

Trung ương Hội đã phối hợp với BHXH Việt Nam biên soạn, in ấn và phát hành đến các cơ sở Hội với số lượng 14.500 tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo”, “Những điều cần biết khi tham gia BHYT theo hộ gia đình” và 12.000 cuốn “Cẩm nang tuyên truyền vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT” dành cho cán bộ Hội cấp cơ sở, giúp cán bộ các chi, tổ Hội thuận lợi trong việc tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Ngoài ra, các cấp Hội đã phối hợp với BHXH cấp phát nhiều loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật BHXH, Luật BHYT đến tận các chi, tổ Hội và hội viên, nông dân như tờ rơi, sách hỏi đáp về BHXH tự nguyện và BHYT...

Đặc biệt, Trung ương Hội tổ chức thí điểm 05 Hội thi tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với chủ đề “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT” nhằm tăng cường, đa dạng hóa công tác tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hội viên, nông dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH.

Các cấp Hội đã xây dựng được 369 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện; xây dựng được 1.435 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện BHYT toàn dân. Đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp vận động được 38.424 người tham gia BHXH tự nguyện và 1.899.966 người tham gia BHYT; thành lập được 1.518 đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT do Hội Nông dân đứng ra quản lý, góp phần vào thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân.

Ngoài ra, các tỉnh, thành Hội cũng đã tích cực tham gia vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng giúp hội viên nông dân thuộc diện hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.

Hội đã chủ động đóng góp ý kiến tham gia xây dựng Luật, Nghị định, các Thông tư hướng dẫn Luật BHXH, BHYT và đề xuất cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm giúp nông dân tham gia được thuận tiện đảm bảo quyền lợi của người nông dân và chống lạm dụng quỹ BHYT.

Công tác phối hợp giữa hai ngành đã đạt được nhiều kết quả. Nếu như năm 2005, trước khi ký kết Nghị quyết liên tịch giữa 02 ngành giai đoạn 2006 - 2010, số người tham gia BHYT mới chỉ đạt khoảng 23,4 triệu, chiếm 29% dân số; và đến năm 2008, khi Luật BHXH ra đời, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ có 6.110 người. Sau khi ký kết Nghị quyết liên tịch giữa 02 ngành và tổ chức tuyên truyền vận động, đến năm 2010, số người tham gia BHYT đạt khoảng 50,7 triệu người, chiếm 58% dân số, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005 và số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 81.319 người tăng hơn gần 12 lần. Tính đến cuối năm 2015, số người tham gia BHYT đạt khoảng 70 triệu, chiếm 76,52% dân số; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 230.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm 2010.

Có thể khẳng định, kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa hai ngành giai đoạn 2012 - 2015 đã thực sự góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực BHXH, BHYT.

BHXH-HND 300516 03.JPG
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH cho Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn

Mở rộng hoạt động tuyên truyền


Qua quá trình phối hợp triển khai thực hiện, chúng tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm, giúp cho quá trình tuyên truyền, thực hiện chính sách BHYT ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ nhất, muốn tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm cho người dân hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT để người dân thấy cần thiết và tự giác tham gia. Do đó, các cấp Hội đã xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện và thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân.

Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc tiếp cận tìm hiểu các chế độ, chính sách và hỗ trợ các thủ tục tham gia BHXH, BHYT. Chính vì vậy, chúng tôi đã chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở để vừa tuyên truyền, vận động và trực tiếp làm đại lý thu BHXH, BHYT.

Thứ ba, cần phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thực tế trong thời gian qua chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau. Điển hình như tổ chức hội nghị đối thoại, hội thi và lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của Hội.

Thứ tư, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, thì việc cần phải có được đội ngũ cán bộ và bộ máy làm công tác tuyên truyền bài bản, được đào tạo đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm công tác tuyên truyền. Các nội dung tuyên truyền cần phải được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của từng nhóm đối tượng tuyên truyền.

Thứ năm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội và các ban, ngành có liên quan và sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị các cấp Hội cần tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT.

Giai đoạn 2016 – 2020, các cấp Hội sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động đang được triển khai có hiệu quả như tuyên truyền, đối thoại phổ biến chính sách; tổ chức hội thi; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở; nhân rộng các điểm đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT cho hội viên, nông dân và đặc biệt là chỉ đạo hệ thống Hội ở cơ sở đưa các nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội; tiếp tục chỉ đạo duy trì, nhân rộng mô hình “BHYT toàn dân” và mô hình vận động nông dân tham gia “BHXH tự nguyện” trên cơ sở các mô hình triển khai điểm đã có hiệu quả.

Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội Nông dân các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia BHXH, BHYT. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu BHYT toàn dân theo đúng mục tiêu đã đặt ra./.


Lại Xuân Môn
Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân VN