Chiếm dụng BHXH: Phạt gấp đôi!

05/05/2016 07:04 AM


Tiền phạt chậm đóng, truy đóng BHXH, BHYT năm 2016 cao hơn năm 2015 trở về trước rất nhiều. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, giải thích rõ về vấn đề này.

Phóng viên: Căn cứ nào để cơ quan BHXH thu tiền lãi đối với doanh nghiệp (DN) nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thưa ông?

- Ông Cao Văn Sang: Những năm qua, tình trạng DN nợ và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do DN chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN để sử dụng vào mục đích khác có lợi hơn vì lãi suất phạt chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN thấp hơn lãi suất vay ngân hàng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015; Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 và Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN có nội dung điều chỉnh tăng lãi suất chậm nộp nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng của các DN.

Mức lãi chậm đóng được tính như thế nào?

- Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHXH tại cơ quan BHXH TP HCM ẢNH: BẢO NGHI

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHXH tại cơ quan BHXH TP HCM ẢNH: BẢO NGHI

Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1 hằng năm, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định trên gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện. Căn cứ vào quy định này, cơ quan BHXH đã tính và thông báo mức phạt chậm nộp như DN đã phản ánh.

Thưa ông, mức lãi suất chậm đóng áp dụng từ ngày 1-1-2016 cụ thể là bao nhiêu?

- Căn cứ các quy định trên, đầu năm 2016, BHXH Việt Nam đã công bố mức lãi suất chậm đóng BHYT là 6,5%/năm x 2 = 13%/năm, tương ứng là 1.083%/tháng và lãi suất trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN là 6,39%/năm x 2 = 12,78%/năm, tương ứng là 1,065%/tháng.

Mức lãi suất chậm đóng, trốn đóng của quỹ BHXH, BHTN và BHYT này rất cao so với mức lãi suất vay ngân hàng hiện nay. Tham khảo lãi suất cho DN vay trên trang thông tin điện tử của một số ngân hàng có hợp đồng mở tài khoản thu với cơ quan BHXH cho thấy mức lãi phạt chậm nộp gần gấp đôi lãi suất vay ngân hàng. Cụ thể như VietinBank lãi suất vay chỉ 7%/năm; BIDV lãi suất vay 7,2%/năm; VietcomBank lãi suất vay 7,5%/ năm…

Cơ quan BHXH TP HCM có thông báo cho các DN biết về việc thay đổi lãi suất phạt chậm nộp?

- Mức lãi suất phạt chậm nộp được quy định rõ tại Luật BHYT, Luật BHXH, các nghị định và thông tư cũng hướng dẫn rất cụ thể. Cơ quan BHXH TP HCM đã có Văn bản số 619/TB-BHXH ngày 8-3-2016 thông báo về việc điều chỉnh lãi suất chậm đóng, truy đóng BHXH, BHYT.

Báo Người lao động