Ngày 15/6: Quốc hội thảo luận một số dự án Luật quan trọng

15/06/2022 11:31 AM


Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 15/6 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số dự án luật quan trọng.
 
 Ngày 15/6 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số dự án luật quan trọng
Ngày 15/6 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số dự án luật quan trọng
 
Trong phiên họp buổi sáng Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
 
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
 
Trước đó, ngày 14/6, trong phiên họp buổi sáng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 474 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,18% tổng số ĐBQH), trong đó có 454 đại biểu tán thành (bằng 91,16% tổng số ĐBQH); có 18 đại biểu không tán thành (bằng 3,61% tổng số ĐBQH); có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số ĐBQH).
 
Tiếp đó, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua hai Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau:
 
Về Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”: Có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,38% tổng số ĐBQH), trong đó có 469 đại biểu tán thành (bằng 94,18% tổng số ĐBQH); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,00% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH).
 
Về Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội với 3 chương trình mục tiêu quốc gia”: Có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,58% tổng số ĐBQH), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 93,37% tổng số ĐBQH); có 06 đại biểu không tán thành (bằng 1,20% tổng số ĐBQH).
 
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 
Tại phiên thảo luận đã có 20 ý kiến đại biểu phát biểu, 3 ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; là bước tiến mới trong chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền làm chủ của nhân dân.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, bố cục, kết cấu của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; biện pháp, cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở gồm xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã, cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập và doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; các hình thức, thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết; hình thức, nội dung nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát; việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; Thanh tra nhân dân; vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; xử lý vi phạm.
 
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
 
Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 21 ý kiến đại biểu phát biểu, 6 ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; giải thích từ ngữ; hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; biện pháp cấm tiếp xúc; quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình; chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
 
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
 
(Theo Baotintuc.vn)

Báo Lâm Đồng