Nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ: Đổi mới, sáng tạo và để lại nhiều dấu ấn
24/02/2021 02:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 23/2/2020, Phiên họp thứ 53 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh: VGP
“Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”; kế thừa kinh nghiệm quản lý điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; hằng năm đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không ngừng đổi mới mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Đảng, Quốc hội đề ra.
Trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ, trong quản lý điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận định đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật, tô đậm thêm thành quả 35 năm đổi mới, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Trong đó, năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù gặp tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ, nhưng đã hoàn thành 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu rõ, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong “trạng thái bình thường mới”; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá cụ thể về những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo trước UBTVQH. Ảnh: VGP
Thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẳng định Chính phủ cũng sẽ làm rõ thêm một số vấn đề mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu ra, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra với kết quả tích cực. Chúng ta ở trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, năng suất lao động cải thiện rõ nét và vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ hơn nhân tố khoa học công nghệ, bội chi ngân sách trong phạm vi đề ra, trong nhiệm kỳ tạo hơn 8 triệu việc làm mới, thu nhập người dân được tăng lên, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, nhiều sản phẩm hàng hoá đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, an ninh lương thực được bảo đảm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp xanh hữu cơ được đẩy mạnh…
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được quan tâm và đạt kết quả ấn tượng. Điều này làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, giảm chồng chéo, bất cập và vướng mắc các quy định của pháp luật phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Kết quả trên có được là do sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự đồng tình và ủng hộ của người dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. “Đây là những kinh nghiệm quý báu Chính phủ xin tiếp thu và thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ: Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; kết quả đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP
Báo cáo tổng kết đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều số liệu cụ thể, đánh giá cơ bản toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác trong cả nhiệm kỳ, thể hiện rõ phương châm, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nêu bật những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, đúc kết một số bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, về bố cục của Báo cáo, đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm sự cân xứng hơn giữa đánh giá về kết quả đạt được với đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực; phân tích rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được; đồng thời, rà soát để tránh trùng lặp, một số nội dung cần thể hiện súc tích, khái quát hơn; các số liệu, thông tin cụ thể, nhất là về lĩnh vực kinh tế, nên được tập hợp thành các bảng biểu, sơ đồ, phụ lục để Báo cáo có tính tổng hợp, khái quát cao hơn; đồng thời, cập nhật thông tin, số liệu đến thời điểm báo cáo để bảo đảm tính chính xác, kịp thời.
Chính phủ đã chủ động chèo lái nền kinh tế đất nước đạt nhiều thành tựu trước khó khăn
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Báo cáo công tác tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chuẩn bị rất nghiêm túc, công phu, rõ ràng. Đây là nhiệm kỳ Chính phủ rất thành công trong bối cảnh, điều kiện có nhiều khó khăn mà Chính phủ vẫn vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước, đạt được thành tựu rất có ý nghĩa.
Cơ bản nhất trí những kết quả đạt được trong báo cáo được Chính phủ nêu, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ của Chính phủ mà chúng ta thấy rõ là “Chính phủ rất năng động, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành của mình. Chính phủ thực hiện rất nghiêm túc các quy định trong Hiến pháp, pháp luật và Chính phủ rất tôn trọng Quốc hội trong công tác của mình. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều lắng nghe và nghiêm túc trong báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ những dấu ấn khác như Chính phủ đã giải quyết hài hoà các lĩnh vực, không nặng bên này, nhẹ bên kia với phương châm “không để ai lại phía sau trong quá trình phát triển” của đất nước. Chúng ta cũng giữ vững được quốc phòng an ninh trong mọi tình huống.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: TTXVN
Thành công nổi bật nữa là thành công trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua tổ chức thành công Thượng đỉnh APEC, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đặc biệt, khi đất nước đứng trước thiên tai và dịch bệnh, Chính phủ đã xử lý rất nhanh và kiểm soát được tình hình, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
“Tôi rất ấn tượng về sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ đối với sự vận hành nền hành chính quốc gia, nhất là các hoạt động trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Qua đó cho thấy các thành viên Chính phủ rất bản lĩnh, tự tin và nắm chắc vấn đề khi đứng trước diễn đàn Quốc hội và cử tri, không lúng túng hoặc nắm vấn đề chưa sâu lĩnh vực mình phụ trách”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Phát biểu ý kiến đóng góp cho Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nhận thấy báo cáo của Chính phủ rất công phu, cụ thể đánh giá toàn diện tình hình phát triển KT-XH của đất nước. Ông tán thành với báo cáo thẩm tra và đề nghị đánh giá kỹ thêm về kết quả và phương hướng bảo đảm quốc phòng an ninh thời gian qua và định hướng tình hình thời gian tới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ một số ấn tượng sâu sắc với Chính phủ nhiệm kỳ 5 năm qua, đó là chúng ta thực hiện vai trò quốc tế của Việt Nam rất xuất sắc qua vai trò chủ nhà APEC 2017 và Chủ tịch ASEAN 2020. Chúng ta cũng hoàn thành nhiều Hiệp định FTA, mở rộng thị trường, là thước đo đánh giá về vai trò của đất nước, năng lực của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm hàng hoá khi đi vào các nước khác. Nhất là, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, xuất siêu đạt kết quả lớn.
Ông Giàu cũng đề nghị cần có đánh giá đúng “sức khoẻ” của nền kinh tế nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài để có chính sách và giải pháp đồng bộ, toàn diện cho nền kinh tế. Có chiến lược để khai thác, tận dụng thời cơ do hội nhập mang lên, nhất là đối với các địa phương. Quan tâm hơn nữa đến phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa.
Sau một ngày làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 53. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, thường trực các Ủy ban của Quốc hội căn cứ kết luận phiên họp để hoàn thiện tất cả các hồ sơ, báo cáo để trình ký ban hành.
PV
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...