Người lao động tại 753 xã đặc biệt khó khăn có thể về hưu sớm

02/12/2020 07:40 AM


Người lao động đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

Người lao động tại xã đặc biệt khó khăn có thể được về hưu sớm (ảnh minh hoạ) /// Ảnh HCMC

Người lao động tại xã đặc biệt khó khăn có thể được về hưu sớm (ảnh minh hoạ)

ẢNH HCMC
 
Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự thảo sẽ quy định các xã đặc biệt khó khăn mà người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn so với so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tại điều 5 của Nghị định số 135/2020/NĐCP của Chính phủ quy định, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021, có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, khi sửa đổi bộ luật Lao động, việc thay đổi tiêu chí xác định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ “làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên” thành “làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là để phù hợp với tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành T.Ư khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương.
Tuy nhiên, hiện nay việc quy định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang được quy định tại nhiều văn bản với tên gọi không thống nhất, được ban hành để thực hiện các chính sách cụ thể như ưu đãi, thu hút đầu tư; giảm nghèo; thu hút lao động... và thường theo giai đoạn nhất định.
Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất, thuận lợi trong thực hiện, Bộ này xây dựng Thông tư ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để áp dụng chính sách nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn cho người lao động.
Theo đó, danh mục này gồm 753 xã thuộc 23 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Kiên Giang.
Danh mục được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về các địa bàn có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, theo quy định tại Thông tư liên tịch 11/2005 ngày 5.1.2005 của Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc.
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khi có đề nghị sửa đổi, bổ sung danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ xác định các trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, thì gửi công văn về Bộ LĐ-TB-XH.
Dự thảo thông tư sẽ lấy ý kiến đến ngày 4.12.

https://thanhnien.vn/