Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước

13/08/2020 11:05 AM


Nằm trong chương trình phiên họp thứ 47, sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

 

Dự thảo Pháp lệnh được xây dựng hiện gồm có 6 Chương và 57 Điều. Cụ thể, bổ sung 2 Chương mới là Chương 3 "Công trình ghi công liệt sĩ", Chương 4 "Nguồn lực thực hiện"; bỏ Chương "Khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm" và chuẩn hóa thành các Điều 54 Áp dụng Pháp lệnh và Điều 56 Xử lý vi phạm quy định tại Chương Điều khoản thi hành.

Đồng thời, bổ sung 9 Điều mới và sửa đổi 41 Điều. Giữ nguyên 12 diện đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành; các quy định trong mỗi diện đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung kết cấu lại theo trật tự về: Điều kiện, tiêu chuẩn; Chế độ ưu đãi đối với đối tượng; Chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các quy định chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng và thân nhân trong dự thảo được rà soát, sửa đổi theo hướng: chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là sự tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước nên phải tương xứng, cao hơn các chế độ bảo trợ xã hội khác; chế độ ưu đãi phải xứng đáng với công lao, cống hiến theo từng diện đối tượng, không cào bằng; kế thừa các chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hiện hành mà người có công đang hưởng và bổ sung các ưu đãi mới như trợ cấp tuất định suất các liệt sĩ trợ cấp hằng tháng đối với người làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày sau năm 1975, trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa hưởng chế độ.

Thẩm tra về dự án Pháp lệnh này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình và thấy rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”, “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.

Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình là: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự án Pháp lệnh cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 59 của Hiến pháp năm 2013, đó là “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước” và về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với quy định của các luật, pháp lệnh có liên quan.

Ủy ban thống nhất với giải trình của Chính phủ về việc chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm/nhiễm chất độc hóa học trong dự án Pháp lệnh mà “tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật và đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.”, theo hướng “có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội”.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo giải trình nguyên nhân của việc chưa thể chế hóa một số nội dung đã được nêu tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đó là: nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974-1975 nhưng chưa đủ thời gian cấp Huy chương.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Ban soạn thảo đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình xây dựng dự án Pháp lệnh, đã tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động, lấy ý kiến các bộ, ngành và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Pháp lệnh. Hồ sơ dự án Pháp lệnh về cơ bản có đầy đủ các thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo thuyết minh làm rõ các nội dung trong Tờ trình (cơ sở của những nội dung mà Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ); cung cấp thông tin, số liệu cụ thể theo từng loại đối tượng người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng tại thời điểm gần nhất; dự báo số lượng đối tượng mới dự kiến được hưởng các chế độ chính sách và nguồn kinh phí tăng thêm; nguồn kinh phí cần thiết bảo đảm thực hiện Pháp lệnh.../.

Hà An

http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/