Bắt đầu khai báo y tế toàn dân

10/03/2020 07:22 AM


Từ hôm nay (10.3), người dân Việt Nam có thể khai báo y tế thông qua ứng dụng NCOVI; đồng thời cập nhật các thông tin, chỉ dẫn mới nhất về dịch bệnh Covid-19 từ cơ quan chức năng.

Lực lượng y tế đến từng hộ dân khám sức khỏe và thực hiện khai báo y tế tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) /// Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Lực lượng y tế đến từng hộ dân khám sức khỏe và thực hiện khai báo y tế tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh)
Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
 
Chiều 9.3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các doanh nghiệp (DN) công nghệ trong nước đã ra mắt 2 ứng dụng (app) NCOVI (dành cho người Việt Nam) và ứng dụng Vietnam health declaration (dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam).
Các DN xây dựng 2 ứng dụng trên đã gửi ứng dụng lên kho ứng dụng Google Play dành cho smartphone chạy hệ điều hành Android, và Apple Store dành cho iPhone. Các kho ứng dụng đang tiến hành cập nhật cung cấp cho người dùng tải về.

Tương tác hai chiều

Hai ứng dụng do các DN xây dựng trong 48 giờ, được khuyến nghị toàn dân Việt Nam và người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng để cung cấp thông tin sức khỏe, hỗ trợ ngành y tế phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để hỗ trợ y tế nhanh và hiệu quả nhất có thể.
Với ứng dụng NCOVI, người dân cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe trong mục “Khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính. Liên bộ cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình dữ liệu ở màn hình “Theo dõi sức khỏe”. Các ứng dụng đã được cập nhật trên Android và sau đó sẽ là Appstore, với cài đặt sử dụng tương đối đơn giản.
 

 Hai ứng dụng NCOVI và Vietnam health declaration giúp hỗ trợ chống dịch Covid-19 Ảnh: M.H

Bắt đầu khai báo y tế toàn dân - ảnh 2

Hai ứng dụng NCOVI và Vietnam health declaration giúp hỗ trợ chống dịch Covid-19

Ảnh: M.H

Phát biểu tại buổi lễ, nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch như chống giặc, toàn dân chống dịch”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Sars-CoV-2 (vi rút gây dịch bệnh Covid-19) đã vào Việt Nam từ rất nhiều phía, vì thế, phải cảnh giác hơn, quyết tâm hơn, nhưng cũng tự tin hơn vì qua giai đoạn 1, chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm và lường trước mọi kịch bản, tình huống.
Để toàn dân chống dịch, một trong những việc thiết thực là tham gia cung cấp thông tin tương tác hai chiều với cơ quan chức năng.
“Việc dùng từ “khai báo y tế” dễ bị hiểu nhầm với khai báo y tế bắt buộc đối với người nước ngoài khi vào Việt Nam. Việc khai báo y tế của người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam là bắt buộc. Ai không khai hay khai không trung thực là vi phạm pháp luật và phải xử lý. Khai báo y tế toàn dân bản chất là cung cấp thông tin và tương tác hai chiều giữa từng người dân và cơ quan y tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Trước đó, có rất nhiều ứng dụng về phòng chống dịch do các công ty phát triển, nhưng các lời chỉ dẫn trên đó không có tính ràng buộc về giá trị.
Với ứng dụng chính thức NCOVI của nhà nước, các thông tin chỉ dẫn trên ứng dụng này là thông tin chính thức, kể cả bản đồ vùng dịch, tình hình và chỉ dẫn trong các tình huống.
Tất cả các ứng dụng trước đây (trừ ứng dụng của Bộ Y tế), thông tin của người dùng cung cấp về tình trạng sức khỏe của mình không được cơ quan chức năng nào quản lý và sử dụng, gây lãng phí. Mặt khác, những thông tin cá nhân này nếu không được quản lý tốt có thể bị dùng vào mục đích khác.
Phó thủ tướng khẳng định, tất cả thông tin khai báo của người dân trên ứng dụng chính thức này sẽ được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích cùng nhau chống dịch, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích thương mại và không xâm phạm đến đời tư người dân.
Phó thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy sử dụng ứng dụng này, như là hành động thiết thực cho chống dịch, đồng thời kêu gọi các DN tiếp tục tham gia nâng cấp ứng dụng, thêm nhiều tính năng sử dụng.
Dựa trên dữ liệu mà ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Người sử dụng cần điền thông tin cá nhân và thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân.
Tại lễ ra mắt, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ thống nhất các DN công nghệ chung tay xây dựng ứng dụng. Đây cũng là dịp để các DN công nghệ số Việt Nam hợp tác với trách nhiệm xã hội để phòng chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, 2 ứng dụng sẽ được nâng cấp và hoàn thiện trong thời gian tới.

Bảo mật thông tin người dùng

Nói thêm về các ứng dụng này, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), cho biết cơ chế xác thực của ứng dụng được thực hiện 2 lớp qua tin nhắn SMS khi cài đặt, người dùng sẽ nhận mã xác thực về số điện thoại đăng ký.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng liên thông với một số cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe người dân của bảo hiểm xã hội.
Theo đó, người dùng chỉ cần điền tên, địa chỉ..., cơ quan chức năng sẽ có cơ sở xác thực chéo về tính chính xác của thông tin khai báo. Khẳng định người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về cơ sở xác thực, ông Dũng cũng nhấn mạnh, tất cả dữ liệu liên quan đến thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ được cơ quan chức năng đảm bảo an toàn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 4, từ trái qua) tại lễ ra mắt ứng dụng Khai báo y tế Ảnh: M.H

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 4, từ trái qua) tại lễ ra mắt ứng dụng Khai báo y tế

Ảnh: M.H

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế), căn cứ trên thông tin y tế cá nhân được cập nhật, nhân viên y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ (liên quan ca bệnh, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch...).
“Có thể xảy ra tình huống khai báo không trung thực, tuy nhiên, với nghiệp vụ riêng, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các tình huống liên quan yếu tố nguy cơ. Mỗi cá nhân khai báo chịu trách nhiệm về nội dung khai báo. Nếu khai báo không trung thực, ảnh hưởng đến phòng chống dịch sẽ bị xử phạt”, ông Phu lưu ý.
“Khai báo y tế là phục vụ phòng chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm; giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, ông Phu nhấn mạnh. Thông tin khai báo y tế lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch kịp thời hơn nữa.

Khám sức khỏe 300.000 người dân, du khách tại TP.Hạ Long

Ngày 9.3, UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, từ sáng cùng ngày, địa phương này huy động hơn 100 nhân viên y tế bắt đầu tiến hành tổng kiểm tra sức khỏe và khai báo y tế đối với hơn 300.000 công dân, người tạm trú và khách du lịch trên địa bàn. Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho hay tỉnh này từng khám sức khỏe toàn bộ người dân ở TP.Móng Cái và đem lại hiệu quả tốt. Việc khám sức khỏe cho người dân TP.Hạ Long là để sàng lọc các trường hợp nghi vấn.
Lã Nghĩa Hiếu
Chiều 9.3, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết ngành y tế địa phương vừa mới nhận được hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Y tế về vấn đề triển khai, thực hiện khai báo y tế toàn dân. Vì vậy, địa phương sẽ gấp rút cho các bộ phận triển khai trong những ngày tới. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cũng khẳng định ngay khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế, địa phương phải triển khai thực hiện khai báo y tế toàn dân theo quy định.
An Dy

http://thanhnien.vn