Kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

06/03/2020 11:15 AM


Hai tháng đầu năm 2020 có 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng tới 19,5% so với cùng kỳ 2019, Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, cả nước có 473 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,18%. Ước tính dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống và Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 

Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể bởi dịch Covid-19.

Tín dụng toàn hệ thống giảm 0,18%

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 3/3 cho biết, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định trong 2 tháng đầu năm nay. Đến ngày 20/2, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06% , so với cùng kỳ năm 2019, huy động vốn tăng 14,15%; tín dụng toàn hệ thống giảm nhẹ, khoảng 0,18% so với cuối năm 2019

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ (19,5%, tương ứng với 16,2 nghìn doanh nghiệp). Điều này phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của người dân và doanh nghiệp trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để tái cơ cấu hoặc chờ đợi qua thời kỳ khó khăn rồi quyết định tiếp tục hoạt động hay giải thể. Một số doanh nghiệp đang cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trong việc bỏ thêm vốn kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu của ngân hàng gia tăng do khách hàng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không trả nợ đúng hạn. Theo số liệu của 23 tổ chức tín dụng, ước tính có khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của họ và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong đó, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: Nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Dưới tác động của dịch bệnh, “sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm qua. Ngay sau phiên họp, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Gấp rút hướng dẫn ngân hàng hỗ trợ khách vay

Về phía ngành ngân hàng, NHNN đã chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo thống kê của NHNN, trong 3 tuần qua, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 222 nghìn tỷ đồng thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... Cùng với đó, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chính sách, chương trình ưu đãi, miễn giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính trị giá khoảng 70.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV… đã giảm 0,5- 1% lãi suất vay cho cả khoản vay mới và vay hiện hữu. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, những chính sách miễn, giảm, giãn nợ, khoanh nợ như vậy rất quan trọng, đặc biệt với những doanh nghiệp trực tiếp phụ thuộc vào dòng tiền.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng chính sách)  được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc 2 trường hợp. Thứ nhất, trường hợp khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký, do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày công bố hết dịch Covid-19.

Theo lý giải của NHNN, chọn ngày 23/1 do đây là thời điểm mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch Covid-19. Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày sau khi công bố hết dịch, nhằm bảo đảm phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng.

Nhằm ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, bảo đảm chất lượng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đặc biệt lưu ý các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp hỗ trợ trên cơ sở đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng. Ông cũng cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến dịch Covid-19 để có giải pháp phù hợp./.

 

Phạm Tú

https://baohiemxahoi.gov.vn