Hằng năm, Quỹ BHYT chi hàng ngàn tỷ đồng để chẩn đoán, điều trị cho các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường

17/09/2019 04:39 AM


Ngày 14/09/2019, tại Bến Tre, BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo chuyên đề về Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện Lãnh đạo BHXH phụ trách công tác BHYT, giám định viên thuộc BHXH tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang tham dự. TS.Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì Hội thảo.

 

Chi phí điều trị cao

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 190 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này đang tiếp tục tăng lên. Cuối năm 2018, có 221 triệu ca mắc bệnh, ước tính đến năm 2025 sẽ lên đến 330 triệu. Đặc biệt, bệnh tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam ước chiếm khoảng trên 4% dân số và khoảng 10% dân số khác mắc tiền đái tháo đường, thực trạng này vẫn đang gia tăng.

TS.Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Hằng năm, Quỹ BHYT chi hàng ngàn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, chi phí tiếp tục gia tăng hàng năm. Trường hợp bệnh nhân có biến chứng có chi phí gấp đôi bệnh nhân không có biến chứng. Tổng chi phí điều trị bệnh nhân có biến chứng đái tháo đường ở Việt Nam năm 2017 là 6.824 tỷ/9.696 tỷ (70%).

Tại Bến Tre, 06 tháng đầu năm 2019, chi phí bình quân sử dụng thuốc đái tháo đường tăng trên 11 ngàn đồng so với năm 2018 (87.317/75.945 đồng), tăng 15%. BS.Lê Thị Bình, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre cho biết: Tỷ lệ sử dụng thuốc điều trị ĐTĐ nhóm biệt dược gốc chiếm 10.8%, nhóm 02 chiếm 45% tăng. Đường dùng dạng tiêm chiếm 53% so với tổng chi phí thuốc đái tháo đường (6.5/12.5 tỷ), trong đó sử dụng dạng bút tiêm chiếm 48% (06 tỷ). Điều đáng nói, nguồn lực chi cho y tế luôn có giới hạn.

Giảm hiệu quả chi phí điều trị

Tham tán Y tế Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Mikkel Lyndrup, nhóm bệnh nhân mắc các bệnh không truyền nhiễm ở Việt Nam là nhóm có tỷ lệ tử vọng cao nhất, chiếm khoảng 73% bao gồm các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư tim mạc. Vì vậy, Hội thảo này là một bước tiến quan trọng hướng đến nhiều hơn nữa các chương trình hợp tác chiến lược giữa Đan Mạch - BHXH Việt Nam trong việc hỗ trợ và nâng cao năng lực quản lý BHYT, đặc biệt là trong việc quản lý bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.

TS.Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, trước thực trạng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam, cần phải quản lý, theo dõi điều trị hợp lý hiệu quả nhất, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm gánh nặng xã hội và đảm bảo khả năng chi trả của nguồn Quỹ BHYT.

BS.Nguyễn Văn Giang, Ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho rằng, để giảm chi phí điều trị đái tháo đường cần kiểm soát biến chứng, tăng cường kiểm soát đái tháo đường từ tuyến y tế cơ sở. Trong đấu thầu, cần xây dựng kế hoạch sử dụng theo danh mục, số lượng phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng; tham khảo và xây dựng giá kế hoạch, sử dụng thuốc có hàm lượng ít cạnh tranh, có chi phí cao thực hiện theo quy định của Bộ Y tế; theo dõi tiến độ đấu thầu của các bệnh viện (đấu thầu tập trung, đấu thầu bổ sung) để có ý kiến kịp thời tránh tình trạng phát sinh mua sắm không đúng quy định.

Chia sẻ vấn đề này, Ths.BS Trần Minh Triết - Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đồng tình và cho rằng, nên kiểm soát đường huyết tối ưu, phòng ngừa biến chứng, hạn chế tối đa các biến chứng do điều trị, chi phí sử dụng thuốc. Trong đó, BS.Trần Minh Triết chỉ rõ, kiểm soát đường huyết tối ưu bằng cách điều trị tích cực ở giai đoạn sớm, cân nhắc sử dụng insulin - loại hocmon dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường sớm khi có chỉ định, dùng bút tiêm - loại tiêm giúp đảm bảo an, đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất sử dụng insulin; đồng thời, tăng tỷ lệ tuân trị của người bệnh.

Theo BS.Lê Thị Bình, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre: Hiện tại, một số hoạt chất trong 23 hoạt chất có hàm lượng ít cạnh tranh và có chi phí cao quy định của Bộ Y tế không còn phù hợp so với thời điểm ban hành văn bản. Đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn giải quyết trường hợp trên để giảm bớt khó khăn cho địa phương. Cụ thể, hướng dẫn giải quyết thiếu thuốc trong thời gian chờ kết quả đấu thầu lần 02 đối với trường hợp thuốc không lựa chọn được nhà thầu trong đấu thầu tập trung, thầu quốc gia. “Trong sử dụng và thanh toán chi phí cao hơn các dạng khác nên có giải pháp quản lý việc sử dụng của bệnh nhân có đảm bảo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ” – BS.Lê Thị Bình lưu ý.

Ngoài ra, “cần thiết lập hệ thống giám sát các bệnh không lây nhiễm - tập trung dự phòng cấp 01 và cấp 02. Liên thông dữ liệu sức khỏe, dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân/người tham gia BHYT hạn chế chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật, thuốc trùng lặp. Tiến hành các nghiên cứu kinh tế y tế để lựa chọn và xây dựng các hướng dẫn điều trị phù hợp. Mở rộng quản lý và điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở, chuyển tuyến hợp lý” - BS.ThSCKII Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ.

Phan Hân (BHXH tỉnh Bến Tre)