Đề xuất nâng mức đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp lên 0,7% trên quỹ tiền lương

13/08/2019 07:23 AM


Tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng lên 0,7% trên quỹ tiền lương. Tuy nhiên, những đơn vị thực hiện tốt an toàn, vệ sinh lao động theo các tiêu chí đề ra thì vẫn được giữ mức đóng 0,5%, thậm chí giảm xuống còn 0,3%.

(Ảnh minh họa)

 

Căn cứ pháp lý trong thực hiện chế độ bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2016) quy định: Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào Quỹ.

Nhằm duy trì tính ổn định thực hiện chế độ BHXH, Điều 4 và Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định: Người sử dụng lao động hàng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; từ ngày 01/01/2018 trở đi, Chính phủ quyết định mức đóng thấp hơn 1%.

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 02 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, trong đó quy định người sử dụng lao động hàng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP giao Chính phủ căn cứ vào khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01//01/2020.

Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thực hiện, để bảo đảm việc cân đối Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nhằm tạo sự công bằng, khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP là rất cần thiết, phù hợp với tình hình mới.

Điều chỉnh mức đóng từ người SDLĐ vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lên 0,7%

Cụ thể, tại Chương II - Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (gồm 05 điều, từ Điều 3 đến Điều 7, được tách ra từ 01 Điều so với Nghị định số 44/2017/NĐ-CP), quy định lại việc điều chỉnh mức đóng từ người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo các mức như sau:

- Mức 0,7% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động đối với tất cả trừ những trường hợp quy định tại Khoản 3, 4  và 5 Điều 3 dự thảo Nghị định.

- Mức 0,5 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động khi đáp ứng các điều kiện như: Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và an toàn, vệ sinh lao động đúng quy định trong 03 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng; Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động theo quy định tại Mục 3 Chương II Luật An toàn, vệ sinh lao động; Giảm 50% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc giảm 75% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp còn lại; Bố trí kinh phí bình quân cho công tác an toàn, vệ sinh lao động trong 02 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng bằng ít nhất 0,3% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động; đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.

-Mức 0,3% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động khi đáp ứng các điều kiện như: thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và an toàn, vệ sinh lao động đúng quy định trong 03 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng; Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động theo quy định tại Mục 3 Chương II Luật An toàn, vệ sinh lao động; Giảm 75% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc không để xảy ra tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 03 năm liền kề trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp còn lại; Bố trí kinh phí bình quân cho công tác an toàn, vệ sinh lao động trong 02 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng bằng ít nhất 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo BHXH của người lao động; Đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.

- Mức 1% nếu bị phát hiện khai báo gian dối, làm giả hồ sơ đánh giá về an toàn, vệ sinh lao động theo kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tại Chương III - Hồ sơ, thủ tục làm căn cứ điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Điều 8 quy định về hồ sơ đề xuất điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ phía người sử dụng lao động, bao gồm văn bản đề nghị điều chỉnh mức đóng, kết quả đánh giá và các hồ sơ chứng minh; Điều 9 quy định quy trình đề xuất điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy trình đề xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ là cơ quan quyết định việc điều chỉnh mức đóng cho doanh nghiệp, trên cơ sở tổ chức đánh giá và có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá bổ sung của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; ngoài ra, quy định thống nhất các điều chỉnh trên toàn hệ thống, tránh việc không thống nhất giữa các địa phương, tránh giải đáp, trao đổi qua lại giữa BHXH tỉnh, BHXH Trung ương với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tăng độ tin cậy khi ra quyết định điều chỉnh vì đã qua nhiều lần rà soát;

Tại Chương IV - Tổ chức thực hiện, gồm 04 Điều quy định của trách nhiệm các tổ chức, cơ quan liên quan như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan BHXH và tổ chức đánh giá. Riêng đối với cơ quan BHXH, bổ sung thêm trách nhiệm hằng năm phải báo cáo tình hình  sử dụng Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Oanh Nguyễn