Quyền lợi BHYT tại Việt Nam: Quá rộng và thiếu thực tế

10/04/2017 07:48 AM


Sáng 10/4, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế Y tế và Quản lý (Trường Kinh doanh- ESSEC của Pháp) và Hiệp hội các DN dược của Pháp (LEEM) tổ chức hội thảo và tập huấn, đánh giá về công nghệ y tế.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo; đại diện Bộ Y tế; một số đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam và BHXH 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh.

Các chuyên gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm đánh giá công nghệ y tế

Các chuyên gia Pháp sẽ chia sẻ kết quả các nghiên cứu điển hình từ một số nước Châu Âu, Châu Á- Thái Bình Dương; kinh nghiệm về cách thức sử dụng đánh giá công nghệ y tế (HTA) trong các quyết định liên quan đến nguồn lực tài chính đầu tư cho y tế. Qua đó, cung cấp cho BHXH Việt Nam và Bộ Y tế một khuôn khổ thực tiễn cho HTA dựa trên các tiêu chuẩn và các phương pháp xác định chuẩn xác. Gợi ý chính sách, đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong việc đưa HTA vào quá trình ra quyết định về sử dụng nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe người dân nói chung, KCB BHYT nói riêng.

Thuật ngữ “công nghệ y tế” bao hàm rất nhiều loại can thiệp trong cung ứng dịch vụ y tế: Thuốc, trang thiết bị y tế, các thủ thuật phẫu thuật và chẩn đoán, chương trình sàng lọc, các chương trình y tế công cộng, các mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe... HTA chính là quá trình tóm tắt thông tin về các vấn đề y tế, xã hội, kinh tế và đạo đức liên quan đến việc sử dụng một công nghệ đảm bảo tính hệ thống, minh bạch và chặt chẽ; lấy người bệnh làm trung tâm. HAT được thực hiện một cách độc lập, dựa trên cơ sở khoa học, nhằm phục vụ chính sách công để tối ưu hóa sự phân bổ nguồn lực với ngân sách ngày càng hạn chế.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chính sách BHYT tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều khó khăn, đối diện với áp lực về nguồn lực đang ngày càng mất cân đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao. Nhiều bất cập trong phạm vi quyền lợi do BHYT chi trả ngày càng bộc lộ rõ. Cụ thể: Phạm vi quyền lợi hiện tại rất rộng, khó có khả năng cân đối quỹ BHYT (177 dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, 65 hoạt chất điều trị ung thư, danh mục thuốc được BHYT chi trả đầy đủ hơn nhiều nước có thu nhập cao hơn Việt Nam). Trên thực tế, việc xác định các gói thuốc, dịch vụ kỹ thuật trong gói quyền lợi của BHYT hiện tại được xây dựng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa có tiêu chí rõ ràng, chưa chú trọng vào tính “chi phí hiệu quả” (chi phí bỏ ra và hiệu quả thu được từ các dịch vụ kỹ thuật, thuốc điều trị), chưa dựa trên quy trình minh bạch với sự tham gia của các bên liên quan…

Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên BHYT. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ rõ: “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân không có nghĩa là cấp miễn phí tất cả các dịch vụ y tế, can thiệp y tế mà không tính đến chi phí. Không có quốc gia nào, bất luận giàu có cỡ nào có thể cung cấp cho mọi người dân bất kỳ dịch vụ y tế hay can thiệp y tế có thể nâng cao sức khỏe hay kéo dài tuổi thọ”.

Sự cần thiết phải đổi mới chính sách, quyền lợi BHYT tại Việt Nam đã được Chính phủ, Quốc hội Việt Nam nhìn nhận, đặt ra trong các yêu cầu xây dựng chính sách từ năm 2013. Bài toán đặt ra cho Việt Nam hiện nay là cần phải đổi mới như thế nào? Tiêu chí nào để xác định ưu tiên trong việc ra quyết định sử dụng nguồn lực chăm sóc sức khỏe toàn dân? Sử dụng công nghệ y tế theo cách nào để có giá trị tốt nhất, vừa đảm bảo lấy người bệnh làm trung tâm vừa phù hợp nguồn lực?...

Nguồn baobaohiemxahoi.vn