Hướng tới mục tiêu 100% HSSV có BHYT

03/09/2016 04:22 AM


Giữ vai trò chính trong phát triển y tế trường học, chăm sóc sức khỏe thiết thực thế hệ trẻ, việc phát triển BHYT HSSV được xem là sự đầu tư cần thiết cho nguồn nhân lực tương lai. Đồng thời, với số lượng chiếm 1/4 dân số cả nước, BHYT HSSV có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Chia sẻ trách nhiệm

Trong các năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, GD-ĐT, Y tế. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm: Năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012-2013 đạt khoảng 80%; năm học 2013-2014 là 85%; đến năm học 2014-2015, tỉ lệ này là 88,5%, tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015- 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em.

Từng có không ít ý kiến cho rằng: HSSV là lứa tuổi giàu sức khỏe, ít sử dụng BHYT nên tấm thẻ BHYT đối với các em khá “vô nghĩa”. Tuy nhiên, bệnh tật không trừ một ai, bức tranh về mô hình bệnh tật của Việt Nam đang thay đổi, nhiều căn bệnh nguy hiểm đang “trẻ hóa” đối tượng mắc. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng...

Đặc biệt, quỹ KCB BHYT còn trích 7% kinh phí để lại cho hoạt động y tế trường học (YTTH) phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT dành cho công tác CSSKBĐ cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng. Nếu như năm 2006, số chi cho công tác này là trên 75 tỷ đồng, thì năm học 2015- 2016 tăng lên xấp xỉ 600 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH, khoảng 82%, trong khi phần chi từ NSNN khoảng 18%...

Do có sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên BHYT HSSV đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ. Chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách BHYT HSSV.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phát triển BHYT đối với một số nhóm, trong đó có HSSV. Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2013 cũng yêu cầu tăng tỉ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV thông qua một loạt các giải pháp như: Xác định trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT; quyền lợi về KCB và CSSKBĐ; nghiên cứu việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT của HSSV từ NSNN lên tối thiểu 50% mức đóng BHYT; phát triển và nâng cao chất lượng YTTH; đưa tỉ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở GD-ĐT, các nhà trường…

Nội dung tuyên truyền chính sách BHYT được chuyển tải tới từng HS

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015) cũng chia sẻ nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cụ thể cho cả ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp... Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Mới đây, tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 -2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV. Theo đó giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy tăng tỉ lệ bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân.

Đưa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT thành hiện thực

Bước sang năm học 2016- 2017, chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực.

Đến nay, việc tham gia BHYT HSSV theo năm tài chính như quy định của Luật BHYT 2014 đã đi vào khuôn khổ, không còn là quy định mới gây "ngỡ ngàng" cho nhà trường và phụ huynh. Còn nhớ, cùng thời điểm này của năm học trước, khi những điểm mới của chính sách BHYT HSSV trong Luật BHYT 2014 chính thức có hiệu lực đã khiến công tác này gặp một số trở ngại. Nhiều HSSV và phụ huynh chưa “thích ứng” với quy định mới, phát sinh một số băn khoăn, vướng mắc như: Mức đóng BHYT đối với HSSV từ ngày 1/1/2015 là 4,5% mức lương cơ sở; việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính…

Tuy nhiên, các khó khăn này đã được ngành BHXH chủ động tháo gỡ ngay trong thời gian đầu triển khai thực hiện. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương, có thể thực hiện thu và phát hành thẻ BHYT thành nhiều đợt (3 tháng và 12 tháng hoặc 6 tháng và 9 tháng hoặc 15 tháng...) giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới. BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép thực hiện phương án BHYT linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đảm bảo quyền lựa chọn phương thức đóng của HSSV và phù hợp với quy định của Luật BHYT. Đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho nhóm đối tượng này… Cùng với sự vào cuộc tích cực hơn của ngành GD-ĐT, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5% trong năm học 2015- 2016 là tiền đề khả quan cho việc thực hiện chính sách này trong năm học 2016- 2017.

Nguồn quỹ BHYT đang đảm bảo khoảng 82% kinh phí hoạt động YTTH

Một sự kiện đặc biệt khác trong năm 2016 đánh dấu mốc quan trọng thực hiện chính sách BHYT là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167 nâng mục tiêu bao phủ BHYT năm 2020 bình quân cả nước lên 90,7%. Tại Quyết định này, Thủ tướng đã giao BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và chính quyền địa phương về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT; tổ chức triển khai thực hiện; phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển đối tượng tham gia, đóng BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, với mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2017, thời gian qua, ngành BHXH đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tăng độ bao phủ BHYT. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương tùy theo điều kiện trên địa bàn thực hiện các giải pháp tuyên truyền. Tích cực cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong thực hiện các thủ tục tham gia, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Phối hợp với ngành Y tế giám sát, nâng cao chất lượng KCB BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh…

Kinh nghiệm từ những năm học trước, từ những địa phương đạt tỉ lệ HSSV tham gia BHYT cao cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của ngành GD-ĐT là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của chính sách. Ở địa phương nào, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỉ lệ HSSV tham gia nhiều hơn. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT.

Tất nhiên, để có được sự ủng hộ và vào cuộc trách nhiệm này, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV ngay vào đầu năm học mới. Chủ động phối hợp với ngành GD- ĐT để sơ kết, tổng kết năm học trước, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, rút kinh nghiệm, cùng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm xác định rõ trách nhiệm trong việc vận động, tổ chức HSSV tham gia BHYT. Cơ quan BHXH phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về BHYT, hướng dẫn tại Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC về thực hiện BHYT, thu BHYT HSSV theo năm tài chính, đồng thời chủ động tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho HSSV tham gia BHYT hợp lý về thời gian, mức đóng. Trong các trường hợp đặc biệt, cần gặp gỡ, tháo gỡ vướng mắc ngay cùng nhà trường…■