Thực hiện tốt tiếp công dân sẽ làm giảm khiếu nại, tố cáo

13/04/2016 08:38 AM


Ngày 11/4, tại TP.HCM, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo về "Ban hành quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân".Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện 5 bộ, ngành hữu quan và cơ quan BHXH 30 tỉnh, thành trong cả nước.

Giải quyết những tồn tại, hạn chế

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cho biết: Hiện nay, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của ngành BHXH thực hiện theo Quyết định số 1788/QĐ-BHXH ngày 28/12/2012 của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua hơn 3 năm thực hiện quyết định cho thấy còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế trong thực hiện. Đặc biệt là các đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình giải quyết không còn phù hợp thực tế; việc bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra năng lực, chuyên môn và các cơ chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Theo dự thảo, quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân mới sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc sau: Đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật; bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, dân chủ và kịp thời; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người tố cáo, người bị khiếu nại, người bị tố cáo trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; Bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

Bà Hoàng Thị Kim Dung- Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra (BHXH Việt Nam) nhận định: Dự thảo mới sẽ giải quyết một số tồn tại. Chẳng hạn trước đây một số vụ việc kéo dài, chưa có phân cấp giải quyết rõ ràng và người khiếu nại tố cáo không thực hiện được yêu cầu chỗ này lại chuyển chỗ khác, khiến vụ việc kéo dài mãi và thậm chí không có hướng giải quyết. Nay với dự thảo mới, sẽ quy định rõ đơn khiếu nại, tố cáo nào được giải quyết và loại nào không được giải quyết, không để kéo dài sự việc.

Cụ thể, đơn khiếu nại không thụ lý giải quyết thuộc một trong các trường hợp sau: Quyết định hành chính, hành vi hành chính để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan BHXH; Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại; Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại; Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án; Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2.

Tạo cơ chế tiếp công dân tốt nhất

Tại Hội thảo, đại diện một số bộ ngành, đại biểu ngành BHXH cũng cho rằng trước tiên cần quan tâm đến công tác tiếp công dân. Do đó, cần sửa đổi trong dự thảo là đưa “quy định tiếp công dân” lên trước rồi mới đến “ giải quyết khiếu nại, tố cáo của BHXH Việt Nam”.

Ông Dương Văn Huế- Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (thuộc Thanh tra Chính phủ) đã chia sẻ một số kinh nghiệm tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ. Ông Huế đề nghị ngành BHXH cần bố trí cán bộ tiếp công dân là những người có kiến thức, bản lĩnh, chịu khó lắng nghe. Đặc biệt, nên chú trọng trước tiên là công tác tiếp công dân, bởi lẽ tiếp công dân tốt sẽ giải tỏa những thắc mắc, hoài nghi và đưa ra những phân tích, đánh giá hợp tình, hợp lý. Đây là cơ sở để giảm các khiếu nại, tố cáo bởi tiếp công dân tốt sẽ giải tỏa được nhiều bức xúc và không còn chuyện khiếu nại, tố cáo.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo đã có nhiều quy định mới, rõ ràng nhằm tạo cơ chế tốt nhất trong công tác tiếp công dân, giúp giải quyết những thắc mắc và hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, còn một số băn khoăn về địa điểm tiếp công dân và tổ chức bộ máy tiếp công dân quy định tại Điều 37 của dự thảo. Theo đó, cơ quan BHXH các cấp phải bố trí phòng tiếp công dân riêng tại vị trí thuận tiện, không tiếp công dân tại phòng làm việc. Phòng tiếp công dân phải đảm bảo khang trang, lịch sự, có đủ điều kiện làm việc cần thiết cho viên chức làm việc và tiếp công dân, có nơi để công dân ngồi chờ. Tại BHXH tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh bố trí 1-2 viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc biên chế Phòng Thanh tra- Kiểm tra; tại BHXH huyện, giám đốc BHXH huyện bố trí 01 viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Đại diện BHXH Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện nay cơ sở vật chất và điều kiện nhân lực chưa thể đáp ứng các quy định như trên nên sẽ rất khó cho BHXH các địa phương, nhất là ở các BHXH cấp huyện.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Chấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cần phải cân nhắc điều kiện thực tế bởi nếu đưa điều này vào quy định trong khi chưa thể thực hiện được sẽ tạo nên nhiều vướng mắc, khó khăn. Tại BHXH cấp tỉnh, có đủ điều kiện để bố trí phòng và cán bộ chuyên trách tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, tại BHXH nhiều quận, huyện thiếu cơ sơ vật chất và nhân lực để làm công tác này.

Ông Nguyễn Đăng Tiến- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng: Một số vụ việc khiếu nại chậm được giải quyết phải được nhìn nhận khách quan, nhất là do những quy định của cơ quan thẩm quyền. Chẳng hạn, việc cho đóng BHXH tự nguyện một lần để được hương lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 bắt đầu được thực hiện từ 1/1/2016 nhưng Thông tư hướng dẫn đến ngày ngày 15/2/2016 mới được ban hành và có hiệu lực từ 4/4/2016. Việc hướng dẫn đóng, tính toán lãi suất chậm được thực hiện đã tạo nên nhiều thắc mắc của người dân và cơ quan BHXH đã phải nhận nhiều đơn thư khiếu nại về việc này, trong khi đó nếu ban hành thông tư hướng dẫn kịp thời sẽ không có những khiếu nại đáng tiếc này.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương, đề nghị Vụ Thanh tra- Kiểm tra sớm tập hợp ý kiến và tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp bằng văn bản của BHXH các tỉnh thành, của các bộ ngành để sớm hoàn thiện dự thảo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, cần sớm bổ sung các văn bản liên quan; làm rõ các định nghĩa; rà soát từ ngữ; phân loại thẩm quyền giải quyết của các cấp BHXH; việc bố trí cơ sở vật chất, cán bộ chuyên trách...

Theo Phó Tổng Giám đốc, hiện chế độ, chính sách thay đổi, chức năng nhiệm vụ của ngành cũng có nhiều thay đổi nên cần sớm có quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân phù hợp thực tế. Điều này giúp giải quyết những vấn đề có liên quan của người tham gia và hưởng chính sách, đồng thời giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Nguồn Báo BHXH