Tiếp tục nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người lao động

11/04/2016 12:41 AM


Đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, thu BH thất nghiệp, tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh,… là những thông tin được trao đổi trong cuộc Họp báo định kỳ Quý I/2016 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức.

 

tdLieu 060416.jpg
Trưởng Ban Thu Trần Đình Liệu trao đổi tại cuộc Họp báo

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc truy thu BH thất nghiệp, ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu giải thích, chế độ BH thất nghiệp được quy định trong Luật BHXH năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ năm 2009. Đến năm 2014, chế độ này được tách ra đưa vào Luật Việc làm và vẫn có hiệu lực thi hành từ năm 2009. Người lao động nào chưa đóng BH thất nghiệp thì thực hiện truy thu. Việc truy thu sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về mức lương, thời gian đóng.

Về kê khai BHYT theo hộ gia đình, ông Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đang quyết liệt triển khai thực hiện. BHXH Việt Nam đã tổ chức sơ kết, đánh giá công tác này và đưa ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Trong hai tháng đầu năm 2016 cả nước có thêm hơn 500.000 người thuộc hộ gia đình đã tham gia BHYT. Đáng lưu ý, trong số những trường hợp mới đăng ký tham gia BHYT đó, tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thêm khoảng 130.000 người, tăng 13 lần so với năm 2015. Người dân tự nguyện tham gia BHYT tăng đột biến trong hai tháng vừa qua một phần nguyên nhân là do chính sách viện phí mới được áp dụng từ ngày 1/3 sẽ tăng từ 30-50% khiến người dân tự ý thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT.

Việc xây dựng thang bảng lương mới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Trách nhiệm xây dựng thang bảng lương mới là của doanh nghiệp, trách nhiệm phê duyệt thang bảng lương mới là của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Cơ quan BHXH căn cứ vào quy định của Luật BHXH, đến 2016 thì đóng BHXH theo lương và phụ cấp; từ năm 2018 mức đóng BHXH sẽ bao gồm thêm các khoản thu nhập khác.

plSon 060416.jpg
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn trao đổi tại buổi Họp báo

Về liên thông khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn cho biết, bắt đầu từ năm 2016 việc liên thông áp dụng cho tất cả các đối tượng không loại trừ đối tượng nào. Đây chính là điều mở rộng hơn so với năm 2015. Năm 2015, chỉ áp dụng cho một số đối tượng, người thuộc diện hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo (trên thẻ BHYT có mã ký hiệu k1, k2, k3) từ 01/01/2015.

Trao đổi về vấn đề cuối năm 2015 và đầu năm 2016, một số bệnh viện tư nhân đã xin đăng ký chuyển xuống hạng 3 - tương đương với cấp huyện nhằm mục đích đón đầu chính sách thông tuyến, thu hút nhiều bệnh nhân khám theo diện BHYT; Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, năm 2015 đã xảy ra tình trạng một số bệnh viện tư nhân phấn đấu lên hạng 2 - tương đương tuyến tỉnh - để có thể được nhận một số ưu đãi về cơ chế giá liên quan tới phân tuyến bệnh viện. Sang năm 2016, khi có những thông tin về thông tuyến cấp huyện trong toàn quốc về khám chữa bệnh BHYT, một số bệnh viện tư nhân lại xin xuống từ hạng 2 xuống hạng 3 (tương đương tuyến huyện) để đón chờ chính sách mới. Đương nhiên, việc xuống hạng sẽ giúp những bệnh viện này có thêm nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT tới đăng ký khám. Căn cứ vào các văn bản quy định của Bộ Y tế, bệnh viện nào đủ điều kiện thì xếp hạng bệnh viện ở hạng đó, kể cả các bệnh viện tư nhân. Bệnh viện nào đủ điều kiện thì sẽ được ký hợp đồng KCB BHYT. Các bệnh viện tuyến huyện là bệnh viện hạng 3, được thông tuyến kể cả bệnh viện tư nhân. Để tránh tình trạng trục lợi BHYT, BHXH Việt Nam đã yêu cầu cơ quan BHXH các tỉnh rà soát nguyên nhân của việc xin xuống hạng của các cơ sở y tế nói chung và cơ sở y tế tư nhân nói riêng, giao quyền cho Giám đốc BHXH tỉnh đề xuất xem có ký hợp đồng KCB BHYT hay không.

Nếu việc xuống hạng là do khách quan, cơ quan BHXH vẫn xem xét việc ký tiếp hợp đồng ủy quyền khám chữa bệnh theo thẻ BHYT với các bệnh viện tư nhân. Nếu việc xuống hạng do nguyên nhân cố tình nhằm trục lợi, cơ quan BHXH tỉnh sẽ xem xét lại việc có ký tiếp hợp đồng hay không. Sau hai hội nghị về KCB BHYT với bệnh viện tư nhân ở phía Bắc và phía Nam, BHXH Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ tích cực của khối các bệnh viện tư nhân trong thực hiện chính sách này.

Liên quan tới việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế cho các đối tượng có thẻ BHYT từ 1/3/2016 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, BHXH Việt Nam đang theo dõi những tác động của việc tăng giá này, tổng hợp những phát sinh và trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh việc tổ chức thực hiện hoặc kiến nghị điều chỉnh về mặt chính sách cho phù hợp.

Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh trên toàn quốc được áp dụng mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù từ ngày 1/3. Từ ngày 1/7, mức giá cộng thêm tiền lương của nhân viên y tế. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, đối với các cơ sở khám bệnh công lập được cơ quan có thẩm quyền phân loại (đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư) và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được áp dụng mức giá cộng thêm tiền lương từ ngày 1/3.

Nguồn Website BHXH