Cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi)

23/12/2015 08:40 AM


Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, một số đối tượng mới như người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc sẽ thực hiện từ 01/01/2018.

Ngày 22/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 112/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII; theo đó, giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi) gồm 07 Nghị định và 01 Quyết định, cụ thể:

- Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc (đối với khu vực dân sự), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian trình Chính phủ là tháng 07/2015.

- Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Quốc phòng (09/2015).

- Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (05/2017).

- Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (07/2015).

- Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung, cơ quan chu trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (10/2015).

- Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về thanh tra BHXH, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (10/2015).

- Nghị định quy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan BHXH, cơ quan chủ trì soạn thảo là BHXH Việt Nam (09/2015).

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1 Điều 90 Luật BHXH về chi phí quản lý BHXH, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính (10/2015).

BHXH Việt Nam đã chủ động đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ sớm ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc tham mưu trình Chính phủ ban hành trước ngày 01/07/2015 để BHXH Việt Nam có căn cứ xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, các phần mềm hỗ trợ phục vụ triển khai thực hiện, gồm các công văn:  Công văn số 4899/BHXH-CSXH ngày 11/12/2014 gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Công văn số 2066/BHXH-CSXH ngày 05/06/2015 gửi Bộ Y tế; Công văn số 3609/BHXH-CSXH ngày 21/9/2015 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế; Công văn số 5126/BHXH-CSXH ngày 17/12/2015 gửi Văn phòng Chính phủ.

Theo kế hoạch, trong các tháng 07, 09 và 10 năm 2015, các Nghị định: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với khu vực dân sự; về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân nhân và người làm công tác cơ yếu; về BHXH tự nguyện; về bảo hiểm hưu trí bổ sung; về thanh tra BHXH; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam sẽ được trình Chính phủ để ban hành. Nhưng đến nay mới có một Nghị định về BHXH bắt buộc đối với khu vực dân sự được ban hành (Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015); 01 Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN. Các Nghị định còn lại và các văn bản thuộc thẩm quyền hướng dẫn của các Bộ đến nay chưa được ban hành. Với tiến độ như vậy, dự kiến sẽ phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như sau:

Một là, một số mẫu biểu để áp dụng theo quy định mới chưa thể thực hiện ngay từ ngày 01/01/2016 như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng của người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; việc trích sao bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai.

Hai là, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; thủ tục khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động và thân nhân người lao động vẫn phải thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi có hướng dẫn mới.

Ba là, chưa có căn cứ để giải quyết hưởng BHXH một lần đối với người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng do chưa có danh mục các bệnh khác…

Bốn là, một số chính sách mới (ví dụ, hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia BHXH tự nguyện) chưa có quy định cụ thể nên chưa có căn cứ để hướng dẫn.

Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi BHXH của hàng triệu người lao động và thân nhân của họ, vì vậy, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 5126/BHXH-CSXH ngày 17/12/2015 báo cáo Văn phòng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi) để có căn cứ tổ chức thực hiện. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành theo nhiệm vụ được giao khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH (sửa đổi). Đến ngày 01/01/2016, nếu các văn bản trên chưa được ban hành, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương ban hành văn bản cho phép BHXH Việt Nam được tiếp tục thực hiện các văn bản hiện hành để làm căn cứ giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ.

Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam