“Quỹ BHYT dự phòng đủ đáp ứng điều chỉnh giá dịch vụ y tế đến hết năm 2017”

26/10/2015 01:46 AM


Đây là thông tin được Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam tổ chức chiều 26/10, tại Hà Nội.

Hop bao 261015.jpg

Quỹ BHYT kết dư khoảng 5 nghìn 200 tỷ

Chia sẻ với đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại hội nghị này, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, kể từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của cơ quan BHXH nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, bên cạnh đó các cơ sở KCB tích cực cung cấp các dịch vụ y tế theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm quỹ BHYT tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, tính đến năm 2014, quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ.

“Đến nay, quỹ BHYT dự phòng đủ để đảm bảo đáp ứng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.

TGD 261015.jpg
"Từ nay đến hết năm 2017, chưa đặt vấn đề điều chỉnh mức phí đóng BHYT", 
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, ước tính quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Do đó, từ nay đến hết năm 2017 chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức phí đóng BHYT. Theo Luật, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, đến nay chúng ta chỉ đang thu 4.5%. Đến năm 2018, khi đã tính đủ 07 cấu phần vào giá dịch vụ y tế, sẽ cân nhắc đến việc có điều chỉnh mức đóng hay không.

Từng bước xóa bỏ bao cấp, chuyển ngân sách hỗ trợ người tham gia BHYT

Về việc Liên Bộ Y tế - Tài chính chuẩn bị ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện thì nay được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá sẽ từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Mr Son 261015.jpg
Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn chia sẻ thông tin với các phóng viên.

Theo đó, người có thẻ BHYT khi đi KCB là đối tượng chịu tác động nhiều nhất, đặc biệt là nhóm đối tượng phải cùng chi trả. Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tác động tích cực là chủ yếu.

Thứ nhất, mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ thống nhất tại tất các các cơ sở KCB cùng hạng trên cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả các cơ sở KCB, không phân biệt vùng miền.

Thứ hai, toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng... từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế. Chúng ta đang hướng tới điều chỉnh giá dịch vụ y tế sao cho chi phí y tế từ tiền túi người dân giảm ở ngưỡng dưới 40% vào năm 2018 và đây chính là cơ hội để thực hiện mục tiêu đó.

Thứ ba, người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính, khi đã tính cả tiền lương, tiền phụ cấp vào giá dịch vụ y tế thì phần ngân sách Nhà nước trước vẫn cấp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên… sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó đặc biệt chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.

Thứ tư, giá dịch vụ y tế được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng KCB, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ KCB tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, đối với 30% dân số chưa tham gia BHYT, trong năm 2015 sẽ chưa chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Tuy nhiên, theo lộ trình, trong năm 2016 sẽ áp dụng giá tính đủ 07 yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Do đó, để không phải nặng gánh chi trả thêm, giảm chi từ tiền túi khi thực hiện KCB, người dân nên tích cực tham gia BHYT.

Hoàn thiện chính sách, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT

PTGD Khuong 261015.jpg
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ thông tin chung về chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần của Luật BHXH (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, một trong những điểm nổi bật của 02 bộ luật này chính là việc hoàn thiện chính sách, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia đồng thời tăng cường mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi NLĐ.

Việc Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với nhóm đối tượng NLĐ có hợp đồng lao động từ 01 đến dưới 03 tháng; cũng như việc Luật này quy định nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện tiền đóng BHXH hoặc quy định phương thức đóng BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu hoặc nhiều năm sau;... Hay việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định BHYT bắt buộc theo hình thức hộ gia đình, cùng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế như hiện nay,... cho thấy chính sách BHXH, BHYT đang tiếp tục hoàn thiện, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và đặc biệt có sự quan tâm tới các nhóm người yếu thế trong xã hội, dần tạo sự công bằng trong việc hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội cho mọi người dân, NLĐ./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn