Bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của phụ nữ khi tham gia BHXH, BHYT

26/10/2015 12:36 AM


Tại Quy chế số 4048/QC-BHXH-HLHPNVN, BHXH Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất ban hành quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2015 – 2020, nhằm tăng cường trách nhiệm của hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT có hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người tham gia, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.

Theo đó, trên cơ sở quy định của pháp luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên, BHXH Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất phối hợp các nội dung sau:

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT: BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền, biên soạn, xây dựng tài liệu tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với từng đối tượng do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ động triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo kế hoạch, nội dung và hình thức đã được thống nhất; giúp cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ các cấp thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT và trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT để tự nguyện, tự giác tham gia; vận động hội viên Hội Phụ nữ tích cực tham gia BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo báo, tạp chí, đơn vị truyền thông trực thuộc đăng tải tin, bài tuyên truyền về BHXH, BHYT.

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của người tham gia: BHXH Việt Nam có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo BHXH các tỉnh tổ chức thực hiện BHXH, BHYT; quản lý, sử dụng các quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, trong đó có phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội theo dõi việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; kiến nghị giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến việc tham gia BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp trong nghiên cứu phương thức tổ chức thực hiện; đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia.

Thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT: Hằng năm, BHXH Việt Nam xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát liên ngành về chấp hành pháp luật BHXH, BHYT và việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên tham gia đoàn thanh, kiểm tra, giám sát. Trưởng đoàn thanh, kiểm tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả thanh, kiểm tra; bên chủ trì là cơ quan ký ban hành văn bản và gửi cho bên tham gia để theo dõi, tổng hợp, xử lý (trừ những vấn đề không được công bố theo quy định của pháp luật về thanh tra); căn cứ vào mục tiêu, kết quả thanh, kiểm tra, báo cáo có thể gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Theo yêu cầu, tính chất vụ việc, hai bên sẽ cử cán bộ tham gia đoàn thanh, kiểm tra của mỗi bên.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn, thư về BHXH, BHYT: Việc này được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật BHXH, Luật BHYT. Trường hợp cần tham khảo ý kiến, các bên có văn bản xin ý kiến hoặc gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến góp ý trực tiếp và thống nhất trước khi trả lời chính thức.

Nghiên cứu đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT: BHXH Việt Nam chủ động nghiên cứu, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT (liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em) để phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp kiến nghị, phản ánh của phụ nữ về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT để kịp thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Báo cáo, trao đổi thông tin: Hai bên có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình. Trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất, hai bên có văn bản yêu cầu cụ thể về nội dung, số liệu và thời gian thực hiện; nếu cần thiết, có thể yêu cầu, báo cáo nhanh qua điện thoại hay gửi fax, email trước khi gửi qua đường công văn. Cụ thể, BHXH Việt Nam gửi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện BHXH, BHYT, báo cáo tổng kết hàng năm, danh sách các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, báo cáo hàng năm kết quả kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; còn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gửi BHXH Việt Nam các văn bản chỉ đạo của Hội liên quan đến công tác BHXH, BHYT, báo cáo tổng kết hàng năm, báo cáo hàng năm kết quả kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT (nếu có). Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, hai bên phối hợp giải quyết; trường hợp cần thiết, mỗi bên có thể yêu cầu họp bất thường; căn cứ nội dung, tính chất cuộc họp, hai bên thống nhất mời thêm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tham dự.

Xây dựng kế hoạch, sơ kết, tổng kết hoạt động hàng năm: BHXH Việt Nam xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và thống nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước khi ban hành. Đối với hoạt động cụ thể phối hợp tổ chức, sau khi lãnh đạo hai bên thống nhất chủ trương, ban hoặc đơn vị tham mưu thực hiện của hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết, báo cáo lãnh đạo hai bên xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm, lãnh đạo hai bên luân phiên tổ chức tổng kết đánh giá các hoạt động phối hợp, rút kinh nghiệm và giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh. Căn cứ nội dung, tính chất cuộc họp, hai bên thống nhất mời thêm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tham dự. Giao đơn vị đầu mối nơi tổ chức họp chuẩn bị nội dung họp và ký thông báo kết luận của lãnh đạo hai bên sau cuộc họp gửi các cơ quan liên quan, đồng thời, theo dõi việc tổ chức thực hiện.

Bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học về BHXH, BHYT: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo Học viện Phụ nữ Việt Nam lồng ghép nội dung BHXH, BHYT vào các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, báo cáo viên do BHXH Việt Nam cung cấp. Trong nghiên cứu khoa học, căn cứ nhu cầu của đơn vị nghiên cứu, hai bên có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện và cung cấp số liệu, thông tin cần thiết.

Phối hợp trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHYT: Hai bên phối hợp, xin ý kiến góp ý khi xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Trường hợp hoạt động của dự án cần sự tham gia của BHXH tỉnh hay Hội Phụ nữ các cấp, hai bên có hướng dẫn chung để thống nhất thực hiện.

Quy chế có hiệu lực từ ngày ký kết, BHXH Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm phổ biến Quy chế tới các đơn vị trực thuộc để thống nhất thực hiện. Căn cứ Quy chế, BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng quy chế phối hợp phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị để thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức phối hợp giữa BHXH cấp huyện - Hội Phụ nữ cấp huyện, cấp cơ sở. Hai bên giao trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động phối hợp bảo đảm hiệu quả, trong đó, Văn phòng BHXH Việt Nam (BHXH Việt Nam) và Ban Tổ chức (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là đầu mối để theo dõi, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế này.

Nguồn TC BHXH