Xử lý sau thanh tra các vi phạm về BHXH: Vì sao vẫn khó?
01/10/2015 01:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ ngày 31/3/2015.
Những chuyển biến bước đầu
Theo BHXH Việt Nam, ngày 11/11/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam- PV) đã có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh trong năm 2014 phải thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH trong các DN (chủ yếu là DN nợ, chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài).
Cán bộ BHXH kiểm tra công tác đóng nộp BHXH tại DN
Thực hiện chỉ đạo trên, từ ngày 24/9/2014 đến 25/12/2014, các Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 68 DN trên địa bàn 12 tỉnh (2 DN đã ngừng hoạt động nên không thanh tra). Tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước (riêng Quảng Trị không thực hiện đợt này), Đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì đã thanh tra trực tiếp tại 1.187 DN.
Theo Kết luận số 622/KL-TTCP ngày 31/3/2015 của Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra trực tiếp tại 68 DN đã xác định tất cả các DN đều chậm đóng BHXH, BHYT từ 4- 67 tháng (trung bình 26 tháng), với tổng số nợ BHXH, BHYT (kể cả lãi chậm đóng) tính đến ngày 31/7/2014 là 359.413,5 triệu đồng. Tính đến ngày 15/1/2015, các DN đã nộp được 104.529,7 triệu đồng.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, có 21 DN đóng không đủ số người (2.063 người) thuộc diện tham gia BHXH, BHYT (dưới các hình thức: Trốn đóng, đóng thiếu thời gian của NLĐ...).
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng xác định 5 DN đóng BHXH, BHYT cho NLĐ với mức tiền lương, tiền công thấp hơn quy định; 24 DN đã trích tiền lương, tiền công của NLĐ để đóng BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hết cho cơ quan BHXH; 12 DN đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không đúng đối tượng theo quy định; 35 DN chưa xác nhận được sổ và trả sổ BHXH cho 8.805 NLĐ đã nghỉ việc hoặc chuyển làm việc tại đơn vị khác...
Sau khi có kết luận thanh tra cũng như có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực vào cuộc trong việc tham mưu, phối hợp thực hiện, nhất là phối hợp với các ban, ngành chức năng đôn đốc các DN khắc phục ngay hậu quả vi phạm theo kiến nghị và kết luận thanh tra hoặc phối hợp khởi kiện những đơn vị cố tình vi phạm.
Những nỗ lực trên của BHXH các cấp đã mang lại hiệu quả rõ rệt như: Đã truy thu được 778,7 tỷ đồng (trên tổng số 1.408,7 tỷ đồng BHXH nợ đọng của 1.255 DN được thanh tra). Trong tổng số 9.280 lao động bị chủ SDLĐ trốn đóng BHXH (với số tiền hơn 53 tỷ đồng), đã có 2.003 lao động được truy đóng với số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Có 25 đơn vị, DN nợ BHXH nhưng chưa tính lãi nên đã được tính lãi bổ sung với số tiền 308 triệu đồng. BHXH các tỉnh, thành phố cũng tiến hành rà soát, yêu cầu những DN chưa điều chỉnh tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ phải điều chỉnh theo đúng quy định…
Bên cạnh đó, BHXH các địa phương còn có một số giải pháp nhằm khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sau thanh tra, như: Cơ quan BHXH tự kiểm tra tại 5.304 đơn vị; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thanh kiểm tra tại 2.865 đơn vị; tiến hành khởi kiện 1.606 đơn vị. Thậm chí, BHXH một số địa phương như: Kiên Giang, Thanh Hóa, TP.HCM, An Giang, Lạng Sơn còn đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để thu hồi các khoản nợ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND một số tỉnh còn ban hành quyết định thu hồi nợ BHXH đối với các DN; với những DN thực sự khó khăn thì tiến hành xác minh làm căn cứ xác định thời gian đóng trên sổ BHXH…
Nhiều DN chậm khắc phục vi phạm
Tuy nhiên, cũng theo BHXH Việt Nam, việc xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sau thanh tra vẫn còn một số hạn chế. Vẫn còn nhiều DN chậm hoặc chưa khắc phục hậu quả vi phạm; nhiều DN chỉ khắc phục một phần vi phạm theo kiến nghị và kết luận thanh tra.
Nhiều DN chậm hoặc chưa khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, về mặt khách quan là do một số DN phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, tình hình doanh thu và lợi nhuận không đủ chi phí, dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT theo quy định. Một số đơn vị là công ty con hoặc chi nhánh nên phụ thuộc vào tình hình tài chính của công ty mẹ. Bên cạnh đó, phần lớn các DN nợ BHXH hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông do nhiều công trình đã hoàn thành, đã bàn giao, nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư thanh quyết toán nên không có khả năng chi trả lương và BHXH.
Về chủ quan, theo BHXH Việt Nam, hiện nay nhận thức của nhiều NLĐ còn hạn chế, nên chưa dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp cho mình. Trong khi đó, nhiều chủ SDLĐ chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của NLĐ, cố tình chây ỳ, chậm nộp tiền BHXH để chiếm dụng. Tại nhiều DN, tổ chức công đoàn cơ sở chưa đủ mạnh, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là chưa thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra các DN đôi lúc chưa được thường xuyên, từ đó chưa kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và xử lý các DN vi phạm.
Ngoài ra, do chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều đơn vị cố tình trốn tránh, chây ỳ hoặc chấp nhận nộp phạt nhằm chiếm dụng, quay vòng tiền BHXH để sử dụng vào mục đích khác. Mặt khác, thời gian qua, cơ quan BHXH không có thẩm quyền xử phạt đối với đơn vị vi phạm, mà phải thông qua hoạt động nghiệp vụ của thanh tra chuyên ngành, trong khi lực lượng này quá mỏng, chỉ có thể thanh tra được rất ít đơn vị.
Cần xử lý nghiêm
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương tăng cường đôn đốc các DN sớm khắc phục hậu quả vi phạm. Đối với những DN nào còn chậm, chỉ khắc phục một phần hoặc cố tình không khắc phục hậu quả vi phạm, thì BHXH tỉnh báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thanh tra chuyên ngành về BHXH để có kết luận, xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả. Trường hợp DN vẫn không khắc phục theo yêu cầu trên, thì cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương tiến hành khởi kiện.
Tuy nhiên, cũng theo BHXH Việt Nam, Quốc hội cần sớm thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, trong đó ưu tiên thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để bảo vệ quyền lợi của NLĐ; sớm ban hành Nghị định quy định về thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; sửa đổi Nghị định 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động và BHXH.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý số tiền nợ ở những đơn vị, DN đã giải thể, phá sản nhưng không còn khả năng tài chính để trả nợ hoặc những đơn vị có chủ SDLĐ bỏ trốn; chỉ đạo UBND các tỉnh kiên quyết yêu cầu các DN được thanh tra thực hiện nghiêm túc việc khắc phục hậu quả vi phạm, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...