Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Đúng đắn và cần thiết

01/10/2015 07:21 AM


Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đã được bổ sung nhiều điểm mới, trong đó có quy định liên quan đến những tội danh về BHXH, BHYT. Chính vì vậy, dự thảo này đã nhận được ý kiến góp ý của tất cả 250 CBCC BHXH tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, các ý kiến đều đánh giá cao những ưu điểm của Dự thảo; đồng tình với những điểm mới như việc bổ sung thêm một số tội danh, trong đó nổi bật là các tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Theo đánh giá chung, việc quy định các tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sẽ góp phần bổ sung thêm chế tài có tính nghiêm khắc cao nhằm đấu tranh với những chủ thể cố tình vi phạm pháp luật; qua đó đảm bảo thực hiện nghiêm minh pháp luật về BHXH, BHYT; góp phần bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của NLĐ, lợi ích của Nhà nước; giữ vững ổn định trật tự xã hội…

NLĐ ngừng việc phản đối DN xâm phạm quyền lợi- Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, xã hội ngày càng phức tạp, tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng diễn ra với số lượng nhiều, khiến mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng cao. Đặc biệt, tội phạm thực hiện hành vi phạm tội ở độ tuổi rất trẻ; một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên tự mình thực hiện hành vi hoặc bị xúi giục thực hiện hành vi phạm tội với mức độ đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Do đó, các ý kiến đề xuất cần phối hợp nhịp nhàng hơn nữa việc áp dụng cải cách tư pháp (được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW) và mục đích răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm khắc những hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Việc bổ sung một số tội phạm mới, trong đó có tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 218), tội gian lận BHYT (Điều 219), tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (Điều 220) cũng đã nhận được 100% ý kiến tán thành. Bởi, trong thực tế, các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật BHXH, BHYT (gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp) là hành vi vi phạm Hiến pháp về quyền con người, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến các quỹ BHXH, BHYT, mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Tình trạng này đã dẫn đến việc NLĐ không được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; hoặc tham gia không đầy đủ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí). Hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của người SDLĐ trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân của nhiều cuộc đình công kéo dài, gây bất ổn xã hội. Hành vi vi phạm này đã đi ngược lại mục đích an sinh xã hội mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi. Do đó, dư luận xã hội đã buộc các cơ quan hữu quan, các tổ chức bảo vệ NLĐ phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Mặt khác, cũng chính những hành vi này còn ảnh hưởng nặng nề đến tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, trong đó có mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị. Chính vì thế, dự thảo quy định các tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là rất đúng đắn và chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội trong phạm vi cả nước.

Đặc biệt, 100% ý kiến đồng tình với việc dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, nhất là các hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ, gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định các loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự cần phải có tính bao quát cao đủ để xử lý các hành vi vi phạm của pháp nhân, nhằm hạn chế việc gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe con người cũng như nền kinh tế đất nước.

(Trích ý kiến góp ý của BHXH tỉnh Ninh Bình)

Nguồn baobaohiemxahoi.vn