Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Phải chặt chẽ và có tính răn đe cao

06/10/2015 04:00 AM


So với Bộ luật Hình sự năm 1999, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, với phạm vi sửa đổi, bổ sung rất cơ bản và toàn diện. Toàn bộ các chế định, các điều khoản của dự thảo về cơ bản đã cụ thể hóa các nguyên tắc được nêu trong Hiến pháp; đồng thời giải quyết được những bất cập, tồn tại đang xảy ra...

Chính vì thế, về cơ bản Ban Sổ- Thẻ (BHXH Việt Nam) nhất trí với nội dung của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); đồng thời có thêm một số ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH, mà cụ thể là các tội danh mới trong lĩnh vực BHXH, BHYT dự kiến bổ sung vào Dự thảo.

Kiểm tra thẻ BHYT trước khi cấp cho người tham gia BHYT

Theo Ban Sổ- Thẻ, chính sách BHXH, BHYT được xác định là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, phạm vi bao phủ rộng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của những người tham gia; số kinh phí chi trả thường xuyên cho đối tượng là rất lớn và phức tạp. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, ngành BHXH đang thực hiện cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn quy trình đăng ký tham gia, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tạo điều kiện để đối tượng được thụ hưởng chế độ một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Vì vậy, chính sách này đang là đối tượng xâm hại của tội phạm kinh tế và tội phạm tham nhũng.

Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, phòng ngừa, răn đe và tạo sự thống nhất áp dụng Bộ luật Hình sự trong việc điều tra, xét xử hành vi gian lận và tham nhũng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Ban Sổ- Thẻ đề nghị điều chỉnh một số nội dung trong các Điều 218, 219, 220 như sau:

Đối với Điều 218 (tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp): Ban Sổ- Thẻ cho rằng, tiền BHXH, BH thất nghiệp (nêu trong dự thảo) là tài sản của Nhà nước, vì quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ (quy định tại Khoản 3, Điều 6 Luật BHXH). Vì vậy, tiền này phải được pháp luật bảo vệ như tài sản của Nhà nước, những hành vi chiếm đoạt, gây thiệt hại đến nguồn tiền này phải bị trừng trị như hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Qua nghiên cứu cho thấy, trong dự thảo luật có sự mâu thuẫn, bất bình đẳng về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự quy định tại Điều 218 tội danh gian lận BHXH, BH thất nghiệp với hành vi vi phạm pháp luật hình sự quy định tại Điều 366 (tội tham ô tài sản), Điều 368 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) và Điều 369 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ). Đơn cử, như: Cùng là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”, nhưng chế tài tại Điều 218 lại quy định nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền BHXH từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chế tài chỉ là “phạt tiền từ 3 lần đến 5 lần số tiền chiếm đoạt hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Như vậy, nếu có hành vi chiếm đoạt với số tiền dưới 20.000.000 đồng thì chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi đó, tại các Điều 366, 368, 369 chỉ cần chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp như gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Qua phân tích trên cho thấy, cùng là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, nhưng nếu chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp (mức tiền lớn), thì chế tài lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe, phòng ngừa, thậm chí còn làm phức tạp trong quá trình áp dụng pháp luật để điều tra, xét xử. Vì vậy, Ban Sổ- Thẻ đề nghị bỏ Điểm c, Khoản 2, Điều 218 (lợi dụng chức vụ, quyền hạn), để nếu xảy ra hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp thì có thể thống nhất áp dụng theo các Điều 366, 368, 369.

Đối với Điều 219 (tội gian lận BHYT), theo Ban Sổ- Thẻ, trong thực tiễn đã phát sinh những hiện tượng người có hành vi gian lận BHYT, nhưng không chiếm đoạt số tiền đó cho mình, trong khi đó quỹ BHYT thất thoát lớn mà chưa có quy định của pháp luật hình sự để giáo dục, phòng ngừa, răn đe và xử lý. Dẫn chứng Từ điển Tiếng Việt về “hành vi chiếm đoạt”, Ban Sổ- Thẻ cho rằng, có những trường hợp không được coi là “chiếm đoạt”, mà chỉ là hành vi “làm thiệt hại” đến quỹ BHYT, nên không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người thuộc dạng này. Điều đáng nói, hành vi vi phạm pháp luật nói trên đã và đang phát sinh khá phổ biến tại một số cơ sở KCB BHYT, gây thiệt hại khá lớn cho quỹ BHYT.

Chính vì vậy, để giáo dục, phòng ngừa và tăng sức răn đe và xử lý đối với hành vi trên, tại Khoản 1 Điều 219 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “hoặc làm thiệt hại”, cụ thể: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt hoặc làm thiệt hại tiền BHYT từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 2 lần đến 5 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn