Đảm bảo điều kiện để ngành BHXH phát triển

17/09/2015 07:26 AM


Chiều 14/9 tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về chi phí quản lý BHXH. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ: Tài chính, LĐ-TB&XH, Y tế, Nội vụ và Tổng LĐLĐ Việt Nam…

Áp lực công việc gia tăng

Theo ông Trần Xuân Hà- Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong điều kiện ứng dụng CNTT còn hạn chế, biên chế không tăng, thì nhiệm vụ, khối lượng công việc của ngành BHXH ngày càng tăng. Cụ thể, đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 59,14 triệu người năm 2012 lên 67,68 triệu người năm 2015; thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho khoảng 2,89 triệu người; chi trợ cấp thất nghiệp cho 0,52 triệu người; thực hiện chi trả ốm đau, thai sản, dưỡng sức… cho khoảng 5,6 triệu lượt người.

Lượng công việc của cán bộ BHXH ngày càng tăng

Đặc biệt, tổng số thu toàn ngành BHXH bằng 32% tổng dự toán thu cân đối NSNN; tổng chi bằng 19% dự toán chi NSNN. Vì vậy, giai đoạn 2012- 2015 dù được áp dụng mức chi tiền lương 1,8 lần nhưng thu nhập thực tế của CCVC ngành BHXH cũng chỉ tương đương với thu nhập bình quân CCVC một số bộ, ngành. “Áp dụng mức chi tiền lương 1,8 lần nhưng ngành BHXH không được hưởng các chế độ phụ cấp như phụ cấp đặc biệt của ngành, phụ cấp công vụ. Mặt khác, theo Khoản 1, Điều 106 Luật BHXH năm 2006, BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp nhưng CCVC lại không được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi ngành, phụ cấp thâm niên nghề như các đơn vị sự nghiệp ngành khác”- ông Hà phân tích.

Chia sẻ thêm về ngành BHXH, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: BHXH Việt Nam là ngành đặc thù, thực hiện khối lượng công việc lớn, từ thu, chi, chính sách, quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT; đầu tư quỹ BHXH; giám định chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế. Thế nhưng, tổng số biên chế của Ngành được giao từ 2010 đến nay vẫn ổn định 20.500 người và mỗi cán bộ BHXH phải “cõng” đến 3.700 đối tượng từ khi sinh ra đến lúc từ trần. Trong đó, bình quân một cán bộ thu quản lý 17.976 đối tượng (tăng khoảng 10.000 đối tượng/cán bộ so với định mức vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt); cán bộ chính sách giải quyết 4.150 hồ sơ/năm (cao hơn 2.400 hồ sơ); cán bộ giám định 60.622 hồ sơ/năm (cao hơn 40.000 hồ sơ) và cán bộ cấp sổ thẻ 42.277 sổ BHXH, thẻ BHYT/năm (cao hơn 13.000 số, thẻ).

Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, công việc vất vả như vậy, nhưng cán bộ BHXH lại không được hưởng phụ cấp công vụ cũng như các phụ cấp khác. Tổng thu nhập thực tế giai đoạn 2012- 2015 đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 2,6 triệu đồng so với năm 2011). Trong khi đó, cán bộ BHXH thường xuyên phải làm đêm, làm thêm giờ vượt quá định mức giờ quy định thì mới hoàn thành nhiệm vụ (bình quân 70% cán bộ thường xuyên làm thêm giờ vượt quá 200 giờ/năm), song nhiều đơn vị không đủ kinh phí trả chế độ cho NLĐ. “Việc thí điểm tiền lương cho BHXH Việt Nam 1,8 lần dù vẫn còn khó khăn nhưng đã động viên cán bộ BHXH cố gắng công tác”- bà Minh khẳng định.

Tiếp tục thực hiện

Ông Trần Xuân Hà cũng cho biết: Trong 3 năm tới (2016- 2018), số người tham gia BHXH tăng nhanh theo chính sách của Nhà nước (dự kiến 2018 có 75,5 triệu người, bằng 80% dân số), số người hưởng chế độ hằng tháng khoảng 3,24 triệu (tăng 12% so với 2015), khoảng 161,3 triệu lượt người đi KCB BHYT, số thu các quỹ bằng 32%- 34% tổng dự toán thu cân đối NSNN và số chi bằng 20%- 22%.

Như vậy, khối lượng công việc từ tổ chức đăng ký, quản lý, thu tiền, giải quyết chế độ, bảo quản hồ sơ đối tượng từ khi sinh ra đến khi mất đi… sẽ tăng lên rất nhiều. “Đề nghị cho phép ngành BHXH được tiếp tục áp dụng mức chi tiền lương đối với CBCCVC bằng 1,8 lần chế độ tiền lương do Nhà nước quy định như giai đoạn 2012- 2016”- ông Hà đề xuất.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nguyệt- Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Thường vụ Quốc hội đã giao chi phí 3 năm một lần cho ngành Hải quan, Thuế với mức lương 1,8 lần. Tuy nhiên, Hải quan và Thuế hoạt động khác ngành BHXH. Cán bộ Thuế, Hải quan chỉ tập trung lo thu đúng, thu đủ, còn cán bộ BHXH ngoài lo phần thu, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, còn phải lo cả phần chi trả các chế độ, quản lý các quỹ BHXH, BHYT... Trong giai đoạn hiện nay, áp lực mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đang “đè nặng” lên vai cán bộ BHXH. Đặc biệt, thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) sẽ phát sinh thêm nhiều chính sách, thực hiện cả chính sách của Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ. “Do vậy, tôi đề nghị vẫn thực hiện chi phí tiền lương cho BHXH Việt Nam 1,8 lần như Thuế, Hải quan”- bà Nguyệt kiến nghị.

Về chi phí quản lý BHXH giai đoạn tới, ông Phạm Lê Tuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: Hiện nay công tác quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT rất vất vả và khó khăn, nhất là trong điều kiện định biên hạn chế mà phải quản lý để Quỹ phục vụ nhiệm vụ và còn kết dư. Do đó, việc trả lương cần xứng đáng với nhiệm vụ được giao và vẫn nên thực hiện chi tiền lương như giai đoạn trước cho BHXH Việt Nam.

Đồng tình với việc tiếp tục duy trì áp dụng chế độ lương 1,8 cho ngành BHXH, song ông Đặng Đình Luyến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Qua thực tiễn, số lượng người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng tăng. Số lượng công việc nhiều và nhiệm vụ ngành BHXH cũng tăng thêm do thực hiện Luật BHXH 2014 nhưng số biên chế không tăng. Trong khi đó, theo Nghị quyết của Đảng thì nhiệm vụ tăng lên đồng nghĩa với việc phải tăng thêm biên chế. Ngoài ra, Luật BHXH 2014 đã xác định BHXH là cơ quan Nhà nước, cho nên chế định pháp lý và cán bộ cơ quan BHXH cũng phải khác trước, không còn là đơn vị sự nghiệp. “Vì vậy, cần làm rõ vấn đề này để vận dụng đúng quy định của Luật cũng như chế độ chính sách cho cán bộ BHXH”- ông Luyến đề xuất.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn