Tăng cường thu hút lao động phi chính thức tham gia BHXH

17/09/2015 08:41 AM


Dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ Canada thông qua Bộ Ngoại giao, Thương Mại và Phát triển (DFATD), sáng ngày 17/9/2015, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) có tổ chức buổi đối thoại chính sách với chủ đề “ Hướng tới một hệ thống BHXH minh bạch, bền vững và dễ tiếp cận”. Tham gia bổi đối thoại có nhiều chuyên gia nghiên cứu về BHXH đến từ Bộ LĐ – TBXH, Ngân hàng Thế giới (WB) …

Tại hội thảo, những kết quả chủ yếu qua 20 năm thực hiện chính sách BHXH tại Việt Nam được khái quát lại. Từ quy định tại Điều lệ BHXH năm 1995 đến Luật BHXH năm 2014 đã cho thấy bước phát triển tích cực; đối tượng thuộc diện đóng BHXH được mở rộng (bao gồm cả BHXH bắt buộc và tự nguyện), quyền lợi của người lao động, người thụ hưởng chế độ BHXH được bảo đảm hơn, trách nhiệm của các cơ quan liên quan được quy định cụ thể, rõ ràng phù hợp với sự thay đổi, phát triển của kinh tế xã hội nước ta. Từ sự thay đổi về chính sách, đối tượng tham gia BHXH cũng tăng lên. Tổng số lao động tham gia BHXH tăng từ 4,7 triệu người năm 2003 lên mức 8,2 triệu người năm 2007, đạt mức 10,5 triệu người năm 2012. Năm 2013, sau 07 năm thực hiện Luật BHXH, số người tham gia BHXH bắt buộc là 10,9 triệu người, tăng 46,5% so với năm 2007, tăng gấp 4,7 lần so với năm 1995. Năm 2014, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 11,23 triệu người, tăng 10% so với năm 2013, tăng 1,07 lần so với năm 2012; số tham gia BHXH tự nguyện là 190.000 tăng 10,9% so với năm 2013. Dù vậy, diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt 1/5 lực lượng lao động.

Phân tích rõ bức tranh tổng quan về thực hiện chính sách BHXH, các nhà nghiên cứu cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến đánh giá về những thách thức trong việc phát triển, mở rộng diện đối tượng tham gia BHXH ở Việt Nam; trong đó vấn đề già hóa dân số, thu hút lao động phi chính thức (lao động tự do, không ký hợp đồng lao động) tham gia BHXH được đề cập đến nhiều hơn cả. Theo đó, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang nhanh hơn so với dự báo; thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18-20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Hoa Kỳ (70 năm), Nhật Bản (26 năm). Các ý kiến chuyên gia đều thống nhất: Bảo đảm An sinh xã hội cho người già hiệu quả hơn thông qua chính sách BHXH là điều phải tính đến, và cần có chiến lược dài hạn, chủ động thực hiện sớm. Đây là thách thức không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn chưa được như mong muốn, nhất là với nhóm lao động phi chính thức - hiện chiếm tỷ lệ khá cao trong lực lượng lao động. Có nhiều rào cản mang tính khách quan dẫn đến việc lao động phi chính thức tham gia BHXH với tỷ lệ hạn chế; thu nhập trung bình thấp (đạt 2,2 -2,5 triệu đồng/tháng), chỉ 15,7% tốt nghiệp THPT, 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào.

Để giải quyết những vấn đề trên, một số khuyến nghị được đưa ra tại buổi đối thoại; theo đó cần chính sách hỗ trợ tích cực hơn với lao động phi thức để họ tham gia BHXH, tăng cường công tác truyền thông giúp họ nhận thức đầy đủ lợi ích, quyền lợi, qua đó tăng tính chủ động tham gia.

Một nội dung cũng rất được quan tâm tại buổi đối thoại, đó là vấn đề hiệu quả hoạt động bộ máy tổ chức thực hiện BHXH ở nước ta. Qua đánh giá, so sánh với một số nước trong khu vực, các ý kiến khuyến nghị đều cho rằng cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mạnh các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động hóa, qua đó vừa nâng cao tính minh bạch, vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống./.

Nguồn TC BHXH