Đoàn BHXH Việt Nam dự hội thảo về An sinh xã hội tại Indonesia

28/08/2015 09:35 AM


Từ ngày 18-21/8/2015 tại Bali (Indonesia), đoàn cán bộ BHXH Việt Nam đã tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề Cung cấp đầy đủ các chế độ An sinh xã hội cho người dân và việc thích ứng với các xu hướng biến đổi lớn về lao động do Hội đồng ASXH về lao động Indonesia (BPJS Katenagakeriaan) tổ chức.

Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu bao gồm các báo cáo viên, chuyên gia và đại diện các tổ chức quốc tế bao gồm Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế ISSA, Hội đồng  An sinh xã hội về lao động Indonesia, Viện nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc, các tổ chức An sinh xã hội trong khu vực ASEAN và các đoàn Đức, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Áo… Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng thảo luận về yêu cầu của hệ thống ASXH, trong đó phải đảm bảo đầy đủ các chế độ cho người lao động nhằm thể hiện vai trò nòng cốt trong việc xây dựng một nhà nước phúc lợi thông qua các nội dung chính như:

Các xu hướng biến đổi lớn về lao động và ảnh hưởng của nó đến các hệ thống  An sinh xã hội

Với các tham luận của ông Errol Frank Stoove, Chủ tịch Hiệp hội ISSA (Các xu hướng biến đổi lớn về lao động và tác động đến An sinh xã hội); ông Chazali Husni Sitymorang, Chủ tịch Hội đồng An sinh xã hội quốc gia Indonesia (Khái quát hệ thống An sinh xã hội Indonesia); ông Bambang Widianto, Điều hành Chương trình xóa nghèo (TNP2K) ở Indonesia (Xóa nghèo là nền móng của chương trình  An sinh xã hội ở Indonesia) và ông Elvyn G. Masassya, Tổng Giám đốc BPJS Ketenagakerjaan (Cải cách An sinh xã hội ở Indonesia), Hội thảo đã khẳng định, An sinh xã hội tồn tại trong mối liên hệ mật thiết với điều kiện kinh tế - xã hội và các xu hướng nhân khẩu học, mà những yếu tố này thay đổi theo thời gian. Do đó, mỗi tổ chức An sinh xã hội cần dự đoán những xu hướng toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của các chương trình ASXH và vai trò của nó trong việc cung cấp đầy đủ các chế độ cho người lao động là thành viên của các chế độ đó.

Cải cách hệ thống hưu trí, phúc lợi và bài học từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia

Ngày nay “tiết kiệm cho tương lai” đang là một đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh dân số già hóa đã bắt đầu ở nhiều nước. Không có khái niệm cải cách hưu trí lý tưởng nào phù hợp với mọi quốc gia nhưng cần thiết phải có chiến lược tiếp cận để nghiên cứu các khía cạnh của cải cách hưu trí nhằm thực hiện tốt chính sách này tại một quốc gia. Trong đó, cần chú ý đến sự ảnh hưởng chi phối của các yếu tố như tài chính giáo dục, tiết kiệm tự nguyện và đầu tư cá nhân của người lao động đến sự thành công của các chương trình hưu trí.

Vấn đề quản trị cơ bản và đầu tư trong lĩnh vực An sinh xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ và biến động chính trị trên toàn thế giới

Các hướng dẫn của OECD và ISSA đã xác định rõ tầm quan trọng của quản trị cơ bản và quản lý đầu tư trong lĩnh vực An sinh xã hội. Các vấn đề này được chú trọng ở nhiều ngành nghề trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ và biến động chính trị trên toàn thế giới. Sự thay đổi về cấu trúc nhân khẩu học và các xu hướng kinh tế, chính trị đặt ra yêu cầu phải tiếp cận các kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả của quốc tế để đảm bảo quản lý tốt các quỹ và tránh tối đa rủi ro.

Các chương trình phục hồi và tạo môi trường “quay trở lại làm việc” cho người lao động thông qua thực tiễn thực hiện tại Áo, Malaysia, Australia, Indonesia và Hàn Quốc

Mô hình đền bù cho người lao động đã và đang thay đổi từ hình thức đền bù đến chương trình “quay trở lại làm việc", phát triển đa dạng trên thế giới. Chương trình được thiết kế nhằm khuyến khích việc duy trì và nâng cao sức khỏe lao động, nâng cao hiệu quả làm việc. Đây cũng chính là thách thức đối với tổ chức An sinh xã hội trong việc xây dựng và thực hiện một khái niệm mới về phúc lợi cho tất cả người lao động.

Nguồn TC BHXH