Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, xây dựng Ngành BHXH Việt Nam phát triển, vững mạnh

21/08/2015 03:34 AM


Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, xác định rõ tầm quan trọng của công tác này, BHXH Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng và Nhà nước phát động; bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tổ chức nhiều phong trào thi đua khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ, làm tốt công tác phục vụ người tham gia, hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm An sinh xã hội. Bên thềm Đại hội Thi đua yêu nước Ngành BHXH Việt Nam lần thứ IV, Ủy viên BCS Đảng, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đã dành cho phóng viên Tạp chí BHXH cuộc phỏng vấn.

Trước hết, xin Phó Tổng Giám đốc đánh giá một cách khái quát những nét nổi bật nhất trong công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2011-2015 của Ngành ta?

PTGĐ Nguyễn Đình Khương: Có thể thấy giai đoạn 2011-2015, cùng với việc Nhà nước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đã tạo ra cho công tác thi đua, khen thưởng những động lực mới, công tác thi đua, khen thưởng của Ngành BHXH Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc, mà một trong những thay đổi quan trọng là việc kiện toàn  các quy định, quy chế về thi đua khen thưởng và bộ máy thực thi công tác này.

Trên cơ sở Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/05/2004; Kết luận số 83-KL/TW ngày 30/08/2010 và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013; các Nghị định của Chính phủ; Thông tư của các Bộ; văn bản hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng; bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, những năm qua, BHXH Việt Nam đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong toàn Ngành, kịp thời hoàn thiện Quy chế Thi đua, khen thưởng của BHXH Việt Nam theo các quy định mới. Trong 05 năm 2011-2015, đã 03 lần sửa đổi, bổ sung, thay đổi quy chế thi đua, khen thưởng, 02 lần sửa đổi, thay đổi quy chế xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp BHXH; ban hành Bảng điểm thi đua làm cơ sở chấm điểm thi đua cho các đơn vị trực thuộc trong toàn Ngành. Đồng thời, BHXH Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: hướng dẫn phát động phong trào thi đua thường xuyên, thi đua đột xuất, thi đua theo chuyên đề hàng năm.

Bộ máy tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng được kiện toàn. Đến nay, toàn Ngành đã có 73 cán bộ, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng (trong đó có 10 cán bộ chuyên trách và 63 cán bộ kiêm nhiệm), 100% có trình độ Đại học trở lên. Ở cơ quan Trung ương, thành lập Ban Thi đua, khen thưởng là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và Hội đồng Thi đua, khen thưởng Ngành trong xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của toàn Ngành. Ở BHXH các tỉnh, thành phố, bộ phận thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trực thuộc Phòng Hành chính-Tổng hợp (hoặc thuộc Phòng Tổ chức - Cán bộ đối với những đơn vị đã tách công tác tổ chức cán bộ ra khỏi Tổ chức Hành chính), có trách nhiệm tham mưu và giúp Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh.

Giai đoạn 2011-2015 có thể nói là giai đoạn mà công tác TĐKT của Ngành đi vào chiều sâu và có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có thể kể đến như: Phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm với các mục tiêu, tiêu chí cụ thể nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; phong trào thi đua đột xuất và theo chuyên đề, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ dài hạn của Ngành; thi đua hưởng ứng các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể phát động; tổ chức các đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Ngành...

Như Phó Tổng Giám đốc vừa cho biết, các phong trào thi đua của BHXH Việt Nam phát động vừa bám sát văn bản hướng dẫn của cấp trên, đồng thời cũng căn cứ trên thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết, những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị mà chúng ta đạt được từ các phong trào thi đua 05 năm qua?

PTGĐ Nguyễn Đình Khương: Các phong trào thi đua được phát động đã tạo ra một không khí thi đua sôi nổi trong toàn Ngành. Hưởng ứng các phong trào thi đua nêu trên, các đơn vị trong Ngành đã tổ chức phát động thi đua, đăng ký và ký giao ước thi đua, xây dựng chương trình kế hoạch với mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị mình. Các phong trào thi đua dù ngắn hạn hay dài hạn, thường xuyên hay đột xuất đều được các đơn vị trong Ngành duy trì đều đặn, phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể về mục tiêu và nội dung thi đua, được toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành hưởng ứng tích cực và tự nguyện tham gia. Từ đó tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao của Ngành giai đoạn 2010 - 2014, đã đạt được kết quả cụ thể trên một số mặt công tác như sau:

- Về công tác phát triển đối tượng, thu và giảm nợ đọng BHXH, BHYT: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái chậm phục hồi,  với sự nỗ lực, không ngừng thi đua của đội ngũ cán bộ làm công tác thu trong toàn Ngành, đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng với nhiều loại hình bắt buộc, tự nguyện; số đối tượng tham gia BHXH, BHYT hàng năm vượt số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2011, số người tham gia BHXH, BHYT là 57.178.356 người, thì đến hết năm 2014 là 64.866.201 người, tăng hơn 7,6 triệu người so với năm 2011.

Số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng có sự tăng trưởng khá, với tỷ lệ thu hàng năm vượt kế hoạch từ 2%-15%, nếu năm 2011, toàn Ngành thu đạt 98.625.498 triệu đồng, thì đến năm 2014, số thu đạt 198.186.484 triệu đồng, gấp 2,02 lần so với số thu năm 2011. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN đã giảm đáng kể, từ 6,2% ở thời điểm cuối năm 2011 còn 4,09% ở thời điểm cuối năm 2014.

- Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT: Các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính; quyền lợi của nhân dân và người lao động ngày càng được nâng cao, với chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cải tiến; Quỹ BHYT được cân đối và có kết dư để dự phòng. Tổng số lượt người được giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong 05 năm đạt trên 30 triệu lượt người; số lượt người KCB theo chế độ BHYT năm 2010 là 102 triệu lượt, đến năm 2014 tăng 136 triệu lượt người. Công tác quản lý tài chính, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đảm bảo đầy đủ, an toàn thông qua nhiều hình thức chi trả phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho người hưởng chế độ.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 09/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, BHXH Việt Nam chỉ đạo toàn Ngành rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế bộ thủ tục hành chính từ 263 thủ tục xuống còn 115 thủ tục, đã tiết kiệm chi phí cho xã hội trên 3.500 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, toàn Ngành BHXH đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thời gian giao dịch thực hiện các thủ tục của các đơn vị, doanh nghiệp giảm từ 335 giờ một năm xuống còn 108 giờ/năm; thực hiện quy trình quản lý theo Hệ thống Quản lý chất lượng tiêu chuẩn 9001:2008 trong toàn hệ thống, góp phần giảm thiểu thời gian giao dịch và chi phí hành chính cho các tổ chức, cá nhân tham gia và hưởng BHXH, BHYT. Trong những tháng đầu năm 2015, toàn Ngành tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước áp dụng thí điểm giao dịch BHXH điện tử và chính thức triển khai giao dịch điện tử trong phạm vi cả nước từ ngày 01/05/2015. Đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, sẽ có khoảng 90% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch BHXH điện tử.

- Việc triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được BHXH Việt Nam triển khai hết sức sáng tạo với mục tiêu thi đua là “tăng tỷ lệ nông dân nông thôn tham gia các hình thức BHYT”. BHXH Việt Nam đã xây dựng Văn bản số 2716/BHXH-TĐKT ngày 25/07/2014 yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện, xây dựng kế hoạch triển khai nhằm góp phần cùng cả nước đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm tới. Các địa phương đã gắn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Ngành thành các mục tiêu thi đua để phấn đấu thực hiện hàng năm như: phấn đấu 100% địa phương có chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đồng thời các hoạt động tình nghĩa giúp đỡ xã nghèo, huyện nghèo được đẩy mạnh và bước đầu phát huy hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại đã có 14 đơn vị trong Ngành đăng ký giúp đỡ 23 xã thuộc diện nghèo tại địa phương khắc phục khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

- Thi đua trong công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh việc thi đua thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể thuộc các đơn vị trong Ngành đã xây dựng mục tiêu, nội dung, yêu cầu cụ thể cho các đơn vị đăng ký thi đua thực hiện tốt các quy chế, quy định, chấp hành tốt mối quan hệ công tác đã đề ra, đồng thời là cơ sở để đánh giá bình xét thi đua các tập thể, cá nhân, các tổ chức đảng, đoàn thể, góp phần tăng cường đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của các chi bộ Đảng với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, phát huy tốt vai trò tập hợp, vận động quần chúng thi đua lao động sáng tạo, lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các tổ chức đoàn thể.

Từ thực tiễn triển khai công tác thi đua - khen thưởng, có thể thấy rằng thi đua và khen thưởng luôn gắn bó chặt chẽ và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau. Công tác khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến của Ngành trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

PTGĐ Nguyễn Đình Khương: Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa to lớn nhằm phát hiện, lựa chọn, xây dựng được những tập thể, cá nhân tiêu biểu để tôn vinh, nêu gương và nhân rộng. Việc lựa chọn điển hình tiên tiến tiêu biểu, toàn diện hoặc trên từng lĩnh vực được xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay và tôn vinh, nêu gương học tập nhân rộng trong toàn Ngành. Qua sơ kết, tổng kết phong trào thi đua yêu nước của các đơn vị, của các Cụm thi đua trong Ngành đã lựa chọn được 115 tập thể, 135 cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực công tác nghiệp vụ của Ngành. Các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được lựa chọn để tổ chức phổ biến, nhân rộng tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua 06 tháng đầu năm 2014 của các Cụm Thi đua, giới thiệu trên Báo BHXH, Tạp chí BHXH và Website BHXH Việt Nam, có tác dụng nhân rộng gương người tốt việc tốt để hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong Ngành và trong xã hội.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua, BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã chú trọng làm tốt công tác khen thưởng, đưa công tác khen thưởng vào nền nếp, chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Nhìn chung, công tác khen thưởng trong những năm qua tương đối tốt, phục vụ kịp thời cho các nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo các nguyên tắc, quy trình theo các quy định hiện hành. Đặc biệt công tác tổ chức bình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng, đoàn kết. Việc thẩm định hồ sơ khen thưởng, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp nhà nước đều đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích. Đặc biệt, việc đổi mới công tác khen thưởng theo hướng tăng cường khen thưởng với các tập thể nhỏ, cán bộ, viên chức cấp cơ sở, nữ cán bộ, viên chức... đã thực sự tạo ra những động lực mới cho công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài việc khen thưởng thường xuyên, BHXH Việt Nam còn chú trọng đến việc khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong Ngành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao, gương người người tốt, việc tốt.

Trong 05 năm 2010-2014, nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực công tác của Ngành đã được Đảng, Nhà nước và Ngành ghi nhận thành tích và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, cụ thể: 01 Huân chương Độc lập; 332 Huân chương Lao động các hạng; 594 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 40 Cờ thi đua của Chính phủ; 01 Thầy thuốc nhân dân; 12 Thầy thuốc ưu tú; 02 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 5.476 Bằng khen của Tổng Giám đốc; 348 Cờ thi đua của BHXH Việt Nam; 110 Chiến sĩ thi đua Ngành.

Từ kết quả công tác TĐKT giai đoạn 2011-2015, sẽ là tiền đề để chúng ta tiếp tục có những bứt phá trong giai đoạn tới. Phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 sẽ tập trung vào những nội dung và giải pháp chủ yếu nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

PTGĐ Nguyễn Đình Khương: Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 cần tiếp tục tạo bước đột phá trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành; tổ chức phong trào thi đua hướng đến mục tiêu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Trước mắt thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2015; phấn đấu hằng năm đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ được giao và thực hiện thành công các mục tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, góp phần đảm bảo An sinh xã hội trên địa bàn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác TĐKT theo tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của Ngành với những mục tiêu thi đua cụ thể, tiêu chí đánh giá thi đua rõ ràng. Bên cạnh các phong trào thi đua thường xuyên hàng năm, phát động các đợt thi đua đột xuất, thi đua theo chuyên đề để tập trung giải quyết những vấn đề khó, những nhiệm vụ cấp bách. Công tác khen thưởng cần tiếp tục hướng tới những tập thể nhỏ, cá nhân là cán bộ, viên chức cấp cơ sở, nữ cán bộ, viên chức.

Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Cụm thi đua, tránh biểu hiện hình thức, không tạo động lực thi đua, hiệu quả thấp. Khuyến khích các tập thể, cá nhân phát huy sáng tạo, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo về ứng dụng các cải tiến, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng gắn với kết quả đánh giá công chức, viên chức.

Ba là, nội dung các phong trào thi đua cần tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành trong giai đoạn mới: thực hiện tốt việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, hoàn thành lộ trình BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và quy định tại Luật BHXH, Luật BHYT (Sửa đổi, bổ sung); tổ chức thu đúng, thu đủ, tăng cường các giải pháp giảm nợ đọng BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm; tiếp nhận, giải quyết kịp thời, chính xác, bảo đảm quyền lợi hưởng BHXH, BHYT cho người tham gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ; triển khai ứng dụng đồng bộ có hiệu quả phần mềm tiếp nhận và kê khai hồ sơ giao dịch điện tử (iQLBH và iBHXH), tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, kinh phí, giúp Ngành BHXH nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bốn là, thường xuyên thực hiện tốt các phong trào thi đua do Đảng và Chính phủ phát động, trong đó đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; quán triệt tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Học tập và làm theo  tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Năm là, thi đua phải gắn chặt với biểu dương, khen thưởng kịp thời; phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, các chương trình ủng hộ, từ thiện./.

Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!


Nguồn TC BHXH