Nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị để đạt mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT năm 2015

17/08/2015 03:35 AM


Theo BHXH Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Nghị quyết số 21 đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cuối năm 2015 sẽ phải đạt tỉ lệ 75% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế công tác BHYT còn một số hạn chế như tỷ lệ tham gia BHYT không đồng đều giữa các địa phương; các nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp... Điều này gây ra không ít khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách này, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực cố gắng của ngành y tế, ngành BHXH mà cần phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

KCB 170815.JPG

Ngay từ ngày đầu tiên Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TTg chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, các ngành tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ngày 2/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, theo đó yêu cầu đến hết năm 2015 phải đạt được mục tiêu 75% dân số cả nước tham gia BHYT theo Nghị Quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị. Mới đây, tại Nghị quyết số 40/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho từng tỉnh, thành phố, coi đó là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Tại các địa phương trong cả nước, UBND tỉnh, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành để triển khai thực hiện Luật BHYT. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT bằng nhiều hình thức với các nội dung phù hợp theo nhóm đối tượng tham gia BHYT. Đồng thời, thành lập tổ thường trực tại cơ quan TW và tại BHXH các tỉnh, thành phố để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay trong những ngày đầu tiên triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Kết quả tổng hợp bước đầu từ các địa phương cho thấy: Đến nay, cả nước có 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, quyết định, công văn về việc triển khai thực hiện Luật BHYT.

Tuy nhiên, hầu hết các Kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa xác định tỉ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chưa hướng dẫn cụ thể việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình; chưa triển khai thực hiện BHYT đối với  đối tượng là người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, mặc dù đã có Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện. Một số nhóm đối tượng chưa xác định được đối tượng đích để xây dựng kế hoạch thực hiện như: đối tượng tham gia hộ gia đình, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh sinh viên...). Chưa có các chỉ đạo cụ thể đối với công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để giảm tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT, khám chữa bệnh tại địa bàn giáp ranh, công tác chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT...

Để đạt mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 và giải quyết kịp thời các vướng mắc, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BHYT trong quý I/2015, tại Hội nghị Giao ban 5 tháng đầu năm, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện Luật; tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, BHXH Việt Nam đã có công văn hướng dẫn một số nội dung thu BHYT theo hướng đơn giản thủ tục, dễ thực hiện, bỏ quy định hộ gia đình phải xuất trình bản photo giấy tạm vắng, giấy ly hôn... Hiện nay, BHXH Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện mẫu lập danh sách và tập huấn cho đại lý, cho người làm công tác lập danh sách BHYT theo hộ gia đình.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đối tượng cán bộ xã phường, đại lý BHYT để thống nhất cách hiểu văn bản, thống nhất trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn chi tiết cho người dân nơi mua BHYT, các thủ tục cần thiết để kê khai, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình. Triển khai cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh để bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trong những tháng còn lại của năm 2015, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn và triển khai thi hành Luật BHYT. Đồng thời, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT có hiệu quả. Thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ y tế theo Nghị định 85; Ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng BV. Thống nhất việc đấu thầu, quản lý giá, thanh toán thuốc BHYT; Phối hợp triển khai quyết liệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước trên cả nước./.

Theo suckhoedoisong.vn