LẬP DANH SÁCH THAM GIA BHYT THEO HỘ GIA ĐÌNH: SẼ CÓ CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÙ HỢP

10/07/2015 08:51 AM


Chiều ngày 8/7, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã tổ chức họp về việc lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình tại tuyến xã và đề xuất sửa đổi một số nội dung Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; các Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Đỗ Văn Sinh và Nguyễn Minh Thảo.

 

Lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình: Sẽ có cơ chế hỗ trợ phù hợp

Theo ông Trần Đình Liệu- Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), dựa vào kết quả khảo sát quy trình lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình tại một số xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, BHXH Việt Nam đã dự thảo quy trình lập danh sách kê khai hộ gia đình tham gia BHYT. Theo đó, hộ gia đình sẽ kê khai danh sách thành viên tham gia BHYT (Mẫu DK01). Danh sách này được các trưởng thôn tiếp nhận tại hộ gia đình và bàn giao cho UBND xã. Từ các bản kê này, UBND xã cử cán bộ lập các danh sách người đang tham gia theo nhóm đối tượng (Mẫu DK01); đối tượng chưa tham gia BHYT (Mẫu DK03) rồi chuyển cho BHXH cấp huyện. Trên cơ sở này, cơ quan BHXH phân loại, đối chiếu với các cơ quan quản lý nhà nước xác nhận (trong 3 ngày), rồi chuyển danh sách cho đại lý thu.

Theo phản ánh của UBND cấp xã thực hiện khảo sát, thời gian dự kiến hoàn thành lập danh sách khoảng 1 tháng. Cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT sau 10 ngày kể từ khi nhận được danh sách đăng ký tham gia BHYT.

Tham gia thảo luận về nội dung này, đại diện UBND các xã tham gia khảo sát bày tỏ băn khoăn về mức độ khả thi khi giao trách nhiệm cho hộ gia đình lập mẫu DK01. Đại diện phường Phúc Thắng (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) lấy ví dụ cụ thể: Do trình độ dân trí không đồng đều, tờ khai phát cho hộ gia đình tự lập sẽ khó thực hiện theo mẫu và không kiểm soát được nội dung kê khai dẫn tới không có được mẫu chuẩn để “lọc” danh sách tổng hợp DK02 và DK03 trên địa bàn bằng phần mềm. Điều đó có thể sẽ khiến thời gian lập danh sách dài hơn dự kiến.

Đại diện UBND các xã đề nghị, khi tổ chức triển khai, trưởng thôn hoặc người trực tiếp chuyển mẫu DK01 cho hộ gia đình sẽ lấy thông tin và ghi. Các đại biểu cũng đề xuất, cùng với việc giao trách nhiệm theo tổ dân phố, thôn, tại mỗi đơn vị này nên thành lập một tổ có từ 3-5 thành viên phụ trách lấy thông tin, lập danh sách theo mẫu kê khai chuẩn của BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, nên tổ chức đợt tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ và nắm bắt các thủ tục, nội dung cần kê khai.

Đề xuất này đã được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất sửa đổi trong quy trình lập danh sách kê khai tham gia theo hộ gia đình cấp xã. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng đề nghị, quy trình này cần bổ sung hướng dẫn các trường hợp người dân muốn tham gia BHYT sớm, ngay từ khi kê khai danh sách với UBND xã thay vì phải chờ hơn 1 tháng như quy trình. Theo đó, giao cho UBND xã hướng dẫn tổ dân phố, phối hợp với đại lý thu BHXH trên địa bàn thực hiện linh hoạt các trường hợp này, có thể lập danh sách đồng thời thu tiền ngay và tiến hành các thủ tục với cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT cho người tham gia. Các mẫu biểu kê khai thống nhất như đề xuất của BHXH Việt Nam.

Về đề nghị "BHXH Việt Nam có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với kinh phí chi lập danh sách cho UBND cấp xã", Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Ngoài chi phí lập danh sách BHYT đã được quy định (năm 2015 là 1.500 đồng/người tham gia), Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT cũng quy định BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm kinh phí về cung cấp mẫu biểu, phần mềm tin học cho các đơn vị lập danh sách. BHXH Việt Nam và Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét xây dựng cơ chế tài chính phù hợp cho việc lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng thảo luận các nội dung cần sửa đổi Thông tư 41 của Liên bộ Y tế- Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT. Theo đó, quá trình triển khai thực hiện Thông tư 41 đã phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ. Các nội dung đề xuất sửa đổi đang được bàn thảo gồm: Đối tượng tham gia; thẻ BHYT; BHYT trong một số trường hợp; bổ sung một số trường hợp thanh toán trực tiếp; vấn đề trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ quan, tổ chức, DN…

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định: Đây là chính sách lớn, tác động đến nhiều người, trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới cần sự tham gia tích cực của tất cả các bên để thực hiện thành công. Quan điểm của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam là những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dứt khoát phải được tháo gỡ, vướng ở đâu sẽ sửa đổi ở đó để Luật được thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho người tham gia.

Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội