Quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội công khai, minh bạch

11/05/2015 04:17 AM


Đây là một trong những nội dung trao đổi của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương với các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tại khóa tập huấn kiến thức tuyên truyền về bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) do BHXH Việt Nam và báo Nhân dân phối hợp tổ chức tại Ninh Bình mới đây.

dtxPhuong 110515.jpg
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương

PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương, xung quanh sự kiện một số công nhân ở một số tỉnh khu vực phía Nam đình công, yêu cầu giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần hiện hành; về góc độ cơ quan tổ chức thực hiện bà có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương: BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Khi xảy ra việc đình công của một bộ phận công nhân ở một số tỉnh khu vực phía Nam phản đối Điều 60 của Luật BHXH sửa đổi và kiến nghị sửa đổi điều này. Cơ quan trình Luật là bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan thẩm tra Luật là Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có trả lời đối với người lao động (NLĐ). Về phía cơ quan tổ chức thực hiện Luật, trong quá trình trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo lại. Riêng về Điều 60, chúng tôi nhận thấy đây là một điểm rất tiến bộ. Luật BHXH cũ quy định, NLĐ thôi việc 1 năm thì có thể nhận BHXH 1 lần và không được nhận chế độ về hưu sau này. Luật BHXH năm 2014 đã thu hẹp đối tượng được hưởng BHXH 1 lần. Trong thời gian vừa qua, những người muốn hưởng BHXH 1 lần chủ yếu ở trong miền Tây vì nhu cầu cuộc sống trước mắt. NLĐ từ miền Trung trở ra, nhiều người muốn trả lại số tiền BHXH một lần đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH, cộng nối thời gian để hưởng lương hưu lâu dài nhưng Luật không cho phép. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật, với sự tham gia của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chúng tôi nhận thấy Luật BHXH năm 2014 nhằm mục đích đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân. Như chúng ta đã biết, BHXH được thực hiện trên nguyên tắc đóng - hưởng, là sự tích lũy, đồng thời có sự hỗ trợ của nhà nước. Theo các nghiên cứu của chúng tôi, NLĐ khi về hưu, sau 9 năm là hưởng hết số tiền đóng góp trong khi tuổi thọ của người dân ngày càng cao, và phần chênh lệch đó được Nhà nước bảo trợ. NLĐ muốn hưởng trợ cấp BHXH 1 lần để giải quyết cuộc sống trước mắt nhưng về lâu dài thì Điều 60 là ưu việt về chính sách an sinh xã hội của đất nước. NLĐ có thể đóng BHXH bằng nhiều hình thức, được cộng dồn thời gian để đóng BHXH đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống sau này.

BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT và tham gia vào quá trình tuyên truyền, giải thích về Luật cùng các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan lập pháp. Thời gian vừa qua, kết quả công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế. Cụ thể là việc giải thích chính sách, nêu những điểm ưu việt của chính sách chúng ta chưa thực hiện được. Mong rằng các cơ quan báo chí, truyền thông cùng với chúng tôi, kiên trì giải thích, kiên trì tuyên truyền cho NLĐ hiểu rằng Điều 60 sẽ tạo ra một nền an sinh bền vững cho từng người dân và cho đất nước.

PV: Điều 60 Luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và được đánh giá là rất nhân văn. Xin Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương cho biết,BHXH Việt Nam tham gia như thế nào trong quá trình kiến nghị sửa đổi Điều này?

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương: Về sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH sửa đổi, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận ý kiến của Thủ tướng Chính phủ sẽ sửa theo hướng linh hoạt, cho NLĐ chọn, có thể hưởng BHXH 1 lần hay tham gia lâu dài. Về phía cơ quan BHXH – đơn vị tổ chức thực hiện, trong quá trình tổng kết thực hiện để đưa ra đề xuất kiến nghị thì cơ quan BHXH đã luôn luôn cập nhật tình hình thực hiện để có những kiến nghị, đề xuất hợp lý. Để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân và phát triển đối tượng theo mục tiêu của NQ 21 là đến năm 2020 có 50% NLĐ tham gia BHXH là một thử thách rất lớn. Hàng năm số đối tượng phát triển được có năm còn ít hơn hoặc bằng số người hưởng trợ cấp BHXH một lần, tức là số đối tượng rời BHXH. Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, chúng tôi sẽ báo cáo những bất cập và kiến nghị với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét hoàn chỉnh để vừa đảm bảo chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước, vừa phù hợp với thực tiễn.

PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương, bà có thể cho biết rõ hơn về  việc quản lý và sử dụng Quỹ BHXH?

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương: Chi phí quản lý BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ. Như vậy, cơ quan BHXH không sử dụng nguồn tiền đóng góp của NLĐ cho hoạt động quản lý mà chỉ sử dụng một phần nhỏ lãi từ hoạt động tăng trưởng quỹ. Với tính chất của một quỹ an sinh xã hội, Quỹ BHXH được quy định rất cụ thể, chặt chẽ cho cơ quan BHXH từ các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ, đến kinh phí quản lý được phép sử dụng. Toàn bộ số tiền gốc của NLĐ được bảo toàn, đầu tư và sinh lời để bảo tồn quỹ.

Để kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, Luật BHXH năm 2014 quy định, định kỳ 3 năm một lần Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức chi phí quản lý BHXH cụ thể; hằng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc quản lý, sử dụng Quỹ BHXH và Quốc hội thẩm tra, giám sát các báo cáo này; 3 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán Quỹ BHXH... Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được hạch toán tương ứng với từng nhóm chế độ; quản lý và sử dụng theo nguyên tắc cân đối thu-chi, bảo toàn và phát triển; được Nhà nước bảo hộ.

Số tiền đầu tư hiện nay tới 95% là cho ngân sách Nhà nước vay mua trái phiếu Chính phủ, chỉ 5% cho Ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước vay.

PV: Một số tỉnh giải quyết nợ đọng BHXH rất quyết liệt và có rất nhiều điển hình tiên tiến. BHXH có cơ chế nào để các PV tiếp xúc với BHXH địa phương?

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương: Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, trong công tác tuyên truyền chúng ta không chỉ tuyên truyền giải thích chế độ chính sách mà còn tìm kiếm và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, chống các hành vi vi phạm pháp luật BHXH. Ngành BHXH luôn mong muốn được đồng hành cùng với các cơ quan báo chí, luôn luôn lắng nghe các ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí trong thực hiện chính sách BHXH. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của BHXH Việt Nam là thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tuyên truyền. Ngành BHXH đang phấn đấu giảm thời gian làm thủ tục BHXH xuống 49,5 giờ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH sửa đổi để đưa hai Luật này thực sự đi vào cuộc sống… Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để các PV tác nghiệp trong công tác tuyên truyền về BHXH.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn