Sơ kết giám sát thực hiện pháp luật về BHXH

09/04/2015 08:35 AM


Chiều 8/4, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ, Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam đã họp “Sơ kết kết quả phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình DN năm 2014 và triển khai kế hoạch giám sát năm 2015”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp.

 

Năm 2014, theo Quyết định số 1193/QĐ-TLĐ ngày 22/9/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đoàn giám sát liên ngành đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện BHXH tại 12 DN thuộc 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, trong thời gian từ 21/10/2014 đến hết ngày 31/10/2014.

Theo báo cáo kết quả của Đoàn giám sát liên ngành, tại thời điểm giám sát, tổng số nợ BHXH của 12 DN là gần 7,2 tỷ đồng; trong đó, có 7/12 DN chưa thực hiện ký HĐLĐ và đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ, kịp thời cho NLĐ; 4/12 DN hằng tháng vẫn trích trừ lương của NLĐ nhưng không đóng vào Quỹ BHXH; 867 NLĐ thuộc diện phải tham gia BHXH, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia; 865 sổ BHXH của NLĐ đã nghỉ việc, nhưng DN không trả sổ, cũng không bàn giao lại sổ BHXH cho cơ quan BHXH do không biết quy định NLĐ sau khi nghỉ việc 12 tháng không đến nhận sổ BHXH thì DN có trách nhiệm bàn giao lại sổ cho cơ quan BHXH quản lý.

Bên cạnh đó, một số DN may như Công ty TNHH Unico Global Việt Nam sử dụng 359 lao động thời vụ, thường xuyên biến động và có hiện tượng lao động nữ nghỉ hết 6 tháng thai sản là nghỉ việc; Công ty CP may Bắc Giang sử dụng thường xuyên 350 lao động học nghề... Tổng số có 739 NLĐ làm việc thường xuyên nhưng chỉ được ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để tránh tham gia BHXH bắt buộc.

Ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá: Tất cả 4 tỉnh được giám sát đều có DN nợ BHXH, thời gian nợ đọng kéo dài. Tính đến tháng 9/2014, có 5.272 DN nợ với số nợ đã lên tới hơn 520 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, số nợ BHXH so với quy mô DN và số LĐ trên địa bàn là tương đối lớn. Qua quá trình giám sát, trong số 12 DN, một số đã trả nợ BHXH, được tổng cộng trên 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính, kết quả còn hạn chế, nhiều DN vẫn trích trừ tiền đóng BHXH của CN nhưng không đóng cho cơ quan BHXH mà sử dụng vào nhiều mục đích, chiếm dụng tiền BHXH, đóng theo kiểu "trừ nợ dần" vào Quỹ BHXH khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tại cuộc họp sơ kết, đại diện các ngành giám sát liên quan đã đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị: Kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung tội danh trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi); kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý nợ BHXH ở các DN không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, khoanh nợ BHXH cho những DN thực sự khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và cả DN...

Đối với cơ quan BHXH, kiến nghị ngành chỉ đạo BHXH 4 tỉnh, thành phố được giám sát. Cũng tại cuộc họp, Đoàn Giám sát liên ngành đã công bố kế hoạch giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình DN năm 2015. Theo đó, Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát trên địa bàn 6 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp và An Giang. Thời gian triển khai giám sát từ tháng 5 đến tháng 10/2015.

Nguồn Báo BHXH