BHXH Việt Nam: Nghiệm thu đề tài đánh giá về khám, điều trị bệnh mạn tính

17/03/2015 08:11 AM


Ngày 17/3/2015, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài đánh giá việc thực hiện chương trình khám và điều trị một số bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày sử dụng giấy hẹn tái khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo.

Đề tài do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc thực hiện, nhằm đánh giá thực trạng khám, điều trị các bệnh mạn tính dài ngày, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT với nhóm bệnh này, bảo đảm quyền lợi BHYT cho người bệnh. Theo nhóm nghiên cứu, bệnh mạn tính dài ngày phổ biến và đang có xu hướng tăng lên, điển hình là bệnh tăng huyến áp. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu số lượt khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú của bệnh nhân tăng huyết áp trong năm 2012, tại bệnh viện Bạch Mai là 36.091 lượt; Quỹ BHYT chi trả 87,48% tổng chi phí điều trị. Để rõ hơn về thực trạng khám và điều trị bệnh tăng huyết áp, nhóm nhiên cứu tiến hành đánh giá các trường hợp bệnh nhân được điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội, Bệnh viện Gia Lộc, Hải Dương từ 01/01/2013 đến 31/12/2013. Tại mỗi bệnh viện, nhóm nghiên cứu lựa chọn 130 bệnh nhân, tiến hành đánh giá bệnh án, khảo sát người bệnh theo bảng hỏi; qua đó khái quát một số đặc điểm chung nhất của người bệnh, các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh, chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, phân tầng nguy cơ và phân độ huyết áp tại 03 bệnh viện; việc khám, chữa bệnh theo hẹn, mức độ thuận tiện của người bệnh; chi phí điều trị tăng huyết áp tại 03 bệnh viện, thực trạng cấp thuốc, tần suất khám, chữa bệnh và chi phí điềut rị trong khám, chữa bệnh ngoại trú tại 03 bệnh viện…Từ kết quả đánh khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra đánh giá: nhóm tham gia BHYT mắc bệnh tăng huyết áp trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất; nhóm mắc bệnh trên 05 năm chiếm tỷ lệ cao nhất; nhóm có thời gian điều trị trên 05 năm có tỷ lệ cao nhất. Tỉ lệ người bệnh BHYT tăng huyết áp tại 03 bệnh viện đến điều trị không đúng hẹn hoặc chuyển đến điều trị tại cơ sở y tế khác vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ từ 60,7% đến 70,7%. Ảnh hưởng lớn nhất đến chi phí BHYT với bệnh tăng huyết áp tại bệnh viện tuyến TW là do chỉ định sử dụng thuốc biệt dược có giá thành cao trong điều trị bệnh, đặc biệt là nhóm thuốc hạ huyết áp và nhóm thuốc điều trị RLLP máu.

Để bảo đảm quyền lợi BHYT với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, nhất là với bệnh tăng huyết áp, nâng cao hiệu quả điều trị, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất kiến nghị. Cụ thể, đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu quản lý hồ sơ bệnh án tăng huyết áp bằng phần mềm, sử dụng bệnh án điện tử, cấp mã ID cho từng bệnh nhân để quản lý chặt chẽ, chỉ định sử dụng thuốc không bị trùng lắp. Nghiên cứu thí điểm thanh toán theo ca bệnh đối với nhóm bệnh tăng huyết áp tại tuyến cơ sở; Tổ chức triển khai và nhân rộng mô hình quản lý chi phí KCB của người bệnh tăng huyết áp tại tuyến y tế quận, huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về tăng huyết áp , cách phát hiện, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ tim mạch. Đề xuất với BHXH Việt Nam lựa chọn mô hình giám định chi phí khám, chữa bệnh  BHYT theo phương pháp giám định tập trung theo tỉ lệ; áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo ca bệnh.  Đánh giá về kết quả nghiên cứu, đa số các ý kiến thành viên Hội đồng nghiệm thu khẳng định tính cấp thiết của đề tài. Với phương pháp nghiên cứu hợp lý, kết hợp các yếu tố định tính, định lượng, nhóm nghiên cứu đã khái quát về tình hình điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp; các số liệu thống kê về tình hình điều trị bệnh tăng huyết áp rất có giá trị thực tiễn, tạo cơ sở khoa học cho cơ quan xây dựng các quy định quản lý, điều trị hiệu quả, nâng cao hiệu quả BHYT trong khám, chữa bệnh mạn tính. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đánh giá: trong bối cảnh tỷ lệ các bệnh mạn tính đang tăng cao, chi phí BHYT điều trị các bệnh này cũng ngày càng lớn hơn, việc đưa ra các số liệu thống kê cho thấy bức tranh tổng quan là rất cần thiết. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều số liệu thống kê có giá trị, tuy nhiên việc khai thác, phân tích số liệu cần sâu hơn, làm rõ hơn bức tranh tổng quan về tình hình điều trị các bệnh mạn tính, tạo cơ sở khoa học, gợi mở các đề tài nghiên cứu tiếp theo về nội dung này. Một số yếu tố liên quan đến bảng hỏi, phỏng vấn sâu, phạm vi nghiên cứu...cũng được các thành viên Hội đồng góp ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung thêm một số nội dung.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhất trí đánh giá đề tài nghiên cứu đạt loại Khá./.

Nguồn TC BHXH