Nghiệm thu Đề án “nghiên cứu xây dựng mô hình cân đối các Quỹ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp”

16/03/2015 09:19 AM


Chiều 13/03, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu Đề án “nghiên cứu xây dựng mô hình cân đối các Quỹ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp” dưới sự chủ trì của TS Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Phạm Đình Thành, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày nội dung chính của Đề án: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nhận được sự tài trợ về các mô hình tính toán cân đối quỹ BHXH hưu trí của Mỹ; của Úc và của Đức; quỹ BHYT của Đức. Mỗi mô hình tính toán đều có phương pháp riêng biệt theo các ngôn ngữ lập trình riêng với những ưu việt cũng như những hạn chế nhất định. Tuy nhiên để có thể phát triển lâu dài Ngành BHXH trên cơ sở ổn định nguồn tài chính của các Quỹ BHXH, thì cần phải xây dựng mô hình tính toán cân đối các Quỹ BHXH theo ngôn ngữ riêng của Việt Nam. Hơn nữa năng lực tính toán cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý các bài toán cân đối Quỹ BHXH ở Việt Nam hết sức quan trọng. Vì vậy việc “Nghiên cứu xây dựng mô hình cân đối các Quỹ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp” hay nói cách khác là tính toán cân đối các nguồn quỹ thuộc Ngành BHXH quản lý theo phương pháp riêng của Việt Nam là hết sức cần thiết.

Mục tiêu Đề án nhằm xây dựng các mô hình và tính toán cân đối các Quỹ mà Ngành BHXH đang quản lý, trong đó gồm (Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất; Quỹ BH thất nghiệp; Quỹ BHYT). Các mô hình tính toán cân đối quỹ phải đảm bảo tính chính xác cao; sử dụng ngôn ngữ lập trình dễ hiểu, dễ sử dụng; đáp ứng được yêu cầu xử lý tính toán dự báo thường xuyên khi có nhiều biến động về tình trạng kinh tế – xã hội, về chế độ, chính sách BHXH, BHYT và trong từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn, kể cả những biến động ngắn hạn từ 06 tháng đến 12 tháng. Các mô hình tính toán cân đối quỹ phải được chuyển giao công nghệ đầy đủ và được vận hành, sử dụng thường xuyên trong Ngành BHXH.

Phương pháp nghiên cứu của Đề án là phân tích và lượng hoá các yếu tố kinh tế – xã hội theo các mối quan hệ logic và biện chứng trong lĩnh vực hoạt động BHXH và các yếu tố liên quan thành các biến số và xây dựng các quan hệ giữa các biến số theo mô hình toán học (bài toán cân đối Quỹ BHXH). Lựa chọn ngôn ngữ lập trình phần mềm thân thiện, phù hợp và xử lý các bài toán theo ngôn ngữ lập trình đã định.

Đề án được chia làm 03 phần: Phần I, những vấn đề chung về các bài toán cân đối quỹ BHXH, BH thất nghiệp và BHYT. Phần II, xây dựng phần mềm tính toán cân đối Quỹ BHXH, BH thất nghiệp và Quỹ BHYT. Phần III, đề xuất các giải pháp bảo đảm duy trì tính toán cân đối các Quỹ BHXH, BH thất nghiệp và BHYT thường xuyên.

Nhận xét kết quả nghiên cứu của đề án, đa số các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính cấp thiết của đề án. Trong xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT vấn đề tính toán cân đối quỹ là một trong những nhiệm vụ quan trọng; tính toán cân đối quỹ hàng năm sẽ giúp cho việc sửa đổi, bổ sung chính sách kịp thời, hợp lý, đặc biệt sẽ giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan BHXH ở Trung ương cũng như BHXH ở địa phương tốt hơn. Đề án đã xây dựng được mô hình tính toán phù hợp với điều kiện của Việt Nam; xây dựng được phần mềm tính toán hiện đại, dễ sử dụng và có tính tin cậy cao. Một số ý kiến nhận xét cho rằng, đây là đề án ứng dụng nên cần cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng như công thức tính toán tổng quát cần dùng tiếng Việt, bổ sung thêm những sai số trong quá trình tính toán và cách khắc phục…TS Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những kết quả của nhóm nghiên cứu. Đề án đã hệ thống, đưa ra mô hình,công thức cân đối Quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; Đề án rất cần thiết trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, có ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng cao, đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu nhóm nghiên tiếp thu các ý kiến góp ý, đánh giá, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, mở rộng nội dung nghiên cứu của đề án, nhằm mục tiêu đảm bảo tính khoa học và thực tiễn.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua Đề án./.

Nguồn TC BHXH