TP Hà Nội: Chủ động thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

10/03/2015 08:57 AM


Sáng ngày 10/3/2015, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo dẫn đầu có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, để triển khai hiệu quả Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ngày 13/01/2015, UBND thành phố Hà Nội đã ban hanh Kế hoạch số 16/KH-UBND. Trong đó, 05 nhiệm vụ trong tâm được xác định rõ: tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, bảo đảm quyền lợi BHYT, xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật, tăng cường công tác thanh, kiểm tra. UBND thành phố phân công trách nhiệm cho các sở, ban ngành, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT…Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế, BHXH thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành; tổ chức tập huấn các nội dung mới của Luật cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn; BHXH thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy phổ biến quán triệt Luật, tổ chức in, cấp thẻ BHYT đúng đối tượng, đúng quyền lợi, phân công giám định viên thường trực tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, cùng các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền.

Công tác khám, chữa bệnh BHYT được triển khai tại 40 bệnh viện (27 bệnh viện tuyến thành phố, 13 bệnh viện tuyến huyện), 23 bệnh viện ngoài công lập, 52 phòng khám, đa khoa khu vực và 500/584 trạm y tế xã.

Trong những ngày đầu tiên triển khai thực hiện Luật, lãnh đạo BHXH thành phố và Sở Y tế cùng các phòng nghiệp vụ trực tiếp xuống kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Quyền lợi của người bệnh cơ bản được bảo đảm. Để tăng diện bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, UBND thành phố hỗ trợ 134.579 đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, với tổng số tiền 72,6 tỷ đồng; hỗ trợ các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của khu liên hiệp xử lý chất thải tại 03 xã của huyện Sóc Sơn, khu vực bãi rác xã Tản Lĩnh, Ba Vì tham gia BHYT. UBND thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách hỗ trợ cho 17.146  học sinh của 16 xã nghèo thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ tham gia BHYT.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, BHXH thành phố, UBND các quận huyện, lãnh đạo các bệnh viện đều khẳng định nỗ lực thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. BHXH thành phố, Sở Y tế phát huy hiệu quả vai trò tham mưu, bám sát các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, chỉ đạo và thực hiện đúng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Công tác quán triệt Luật được các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố thực hiện sâu rộng; công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng đang từng bước được đẩy mạnh, thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân đã được Thành ủy, UBND thành phố đặt ra.

Các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND thành phố, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của BHXH thành phố và Sở Y tế trong thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhận định: kế hoạch thực hiện Luật được xây dựng và triển khai kịp thời đã cho thấy sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm thực hiện BHYT của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Với tinh thần chỉ đạo đó, sự phối hợp thực hiện của BHXH thành phố, Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đạt hiệu quả tích cực hơn; quyền lợi BHYT của người dân Thủ đô được bảo đảm theo quy định. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam mong rằng, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm hơn với tổ chức thực hiện BHYT, chú trọng phát triển mở rộng đối tượng, bảo đảm lộ trình BHYT toàn dân. Công tác quán triệt, tuyên truyền Luật phải được triển khai sâu, rộng đến các cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo thuận lợi công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng, thực hiện BHYT theo hộ gia đình. Cùng với đó, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới phải được tăng cường, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT cho người dân ngay tại cơ sở, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Ghi nhận những kết quả thực hiện BHYT của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, Hà Nội phải phấn đấu tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ bao phủ BHYT, qua đó bảo đảm hiệu quả an sinh xã hội cho người dân Thủ đô. Sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ người dân tham gia của UBND thành phố là rất quan trọng và phải tiếp tục phát huy hơn nữa. Các Sở, ban ngành, BHXH thành phố tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp, chủ động trong tổ chức thực hiện. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp dưới phải mạnh mẽ hơn, đi sâu vận động phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tăng cường đầu tư y tế cơ sở, phát huy hiệu quả BHYT ngay từ phường, xã…Tiếp thu những ý kiến của Đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường quán triệt, nâng tinh thần trách nhiệm thực hiện BHYT của các cấp ủy, chính quyền cơ sở; chú trọng phát triển mở rộng đối tượng, ngân sách thành phố sẵn sàng hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế tham gia BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới cũng sẽ được thành phố chú trọng đầu tư về con người cũng như cơ sở vật chất. Nêu rõ một số khó khăn mang tính đặc thù của Hà Nội như dân số động, tỷ lệ lao động di cư, lao động phi chính thức lớn…Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong rằng, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tích cực hơn trong công tác tổ chức thực hiện BHYT, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ BHYT, sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân trong tương lai gần./.

Năm 2014, dân số thành phố Hà Nội khoảng 7,1 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia BHYT là 5,08 triệu người, đạt 71,6% dân số. Với khoảng 7,3 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2014 ước khoảng 3.700 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ 75% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, đạt 85% vào năm 2020.

Nguồn TC BHXH