Giao lưu trực tuyến "Luật BHYT- Những đổi mới mạnh mẽ": Thanh toán 100% nếu tham gia 5 năm liên tục

10/12/2014 08:07 AM


Từ 01/01/2015, Luật BHYT sửa đổi sẽ có hiệu lực với nhiều điểm mới được quy định liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người tham gia KCB BHYT. Vậy những điểm mới liên quan đến quyền lợi người bệnh sẽ thay đổi như thế nào, sáng ngày 10/12/2014, Báo Người Lao động và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Luật BHYT: Những đổi mới mạnh mẽ".

BHYT 101214.jpg

Khách mời chương trình gồm:

- Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế).

- Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế.

- Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

- TS Lê Đình Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Tp.HCM.

- Ông Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống nhất Tp.HCM.

- ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy.

Luật BHYT sửa đổi lần này có nhiều điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ, hội nhập quốc tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại vùng biển đảo để tiến tới BHYT toàn dân. Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) việc sửa đổi bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

Trong đó bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Cũng theo quy định tại Luật BHYT, từ 01/01/2015 người bệnh khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30%. Thay vào đó các quyền lợi cho bệnh nhân KCB nội trú vượt tuyến sẽ được mở rộng hơn.

Hy vọng rằng những giải đáp của các chuyên gia đầu ngành y tế, đại diện các bệnh viện tại buổi giao lưu sẽ đem lại nhiều hữu ích cho người dân về việc KCB BHYT và Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2015.

* Trang tin điện tử BHXH Việt Nam, sẽ trích đăng toàn văn nội dung các câu hỏi giao lưu này, và chia thành nhiều kỳ đăng tải trong chuyên mục Giải đáp chế độ chính sách. Mời quý độc giả theo dõi.


Theo: nld.com.vn