Khảo sát công tác triển khai thực hiện Quyết định số 1018/QĐ-BHXH tại một số địa phương

20/11/2014 09:05 AM


Ngày 19/11/2014, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh đã có buổi làm việc với đại diện đoàn khảo sát của BHXH Việt Nam về công tác triển khai thực hiện Quyết định số 1018/QĐ-BHXH tại 06 tỉnh, thành phố: TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Ngày 10/10/2014, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh ký ban hành Quyết định số 1018/QĐ-BHXH về sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi BHXH, BHYT. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Quản lý thu BHXH, BHYT và Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111 QĐ/BHXH ngày 25/10/2011; điều chỉnh một số nội dung trong các văn bản Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BHXH ngày 03/01/2014, Quy định quản lý chi trả chế độ BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 488/QĐ-BHXH ngày 23/02/2012, Quy định về tổ chức thực hiện hợp đồng KCB, giám định chi trả chi phí KCB, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 82/QĐ-BHXH ngày 20/01/2010, Quy định tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 884/QĐ-BHXH ngày 25/08/2011 của BHXH Việt Nam.

Từ ngày 04 – 06/11/2014, hai đoàn khảo sát của BHXH Việt Nam - với thành phần gồm lãnh đạo, chuyên viên Ban Pháp chế, Ban Sổ, thẻ, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Trung tâm Thông tin - đã tiến hành khảo sát công tác triển khai thực hiện Quyết định số 1018/QĐ-BHXH tại 06 tỉnh, thành phố, gồm TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Có thể thấy, các địa phương đều nhận thức được việc ban hành Quyết định số 1018/QĐ-BHXH nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH gắn với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, do đó, đã tiến hành triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về mẫu biểu áp dụng và phương án tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính. Cụ thể là:

- Về mẫu biểu sửa đổi, bổ sung: Mẫu D01b-TS (Văn bản đề nghị của đơn vị); mẫu D01-TS (Đơn đề nghị); mẫu TK1-TS (Tờ khai tham gia BHXH, BHYT); Khoản 1, Mục C Hướng dẫn lập và sử dụng mẫu biểu kèm theo Công văn số 4175/BHXH-PC; việc thu hồi thẻ BHYT của người lao động với việc kê khai mẫu D02-TS; cách ghi đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh; Khoản 6, Điều 1 Quyết định số 1018/QĐ-BHXH.

- Về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính tại đơn vị sử dụng lao động, qua thực tế thực hiện, có thể thấy cả hai hình thức: (1) cán bộ BHXH nhận trực tiếp tại đơn vị; (2) sử dụng dịch vụ Bưu điện, đều có khó khăn, vướng mắc riêng.

Với hình thức (1), cán bộ tại bộ phận “một cửa” của Ngành BHXH còn thiếu so với yêu cầu của công việc; việc đi lại giữa đơn vị và cơ quan BHXH phải sử dụng phương tiện cá nhân (kéo theo chi phí xăng xe, hao mòn máy móc...) nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ; vấn đề an toàn về hồ sơ, về sức khỏe, tính mạng của cán bộ Ngành BHXH cần được quan tâm, bảo vệ; đối với những đơn vị ở xa, cần phải đi lại bằng ô tô và tốn nhiều thời gian di chuyển.

Với hình thức (2), cán bộ Bưu điện không có nghiệp vụ về BHXH nên khâu kiểm đếm hồ sơ mất nhiều thời gian hoặc không đầy đủ, phải bổ sung nhiều lần, không hướng dẫn được đơn vị lập hồ sơ theo đúng yêu cầu của cơ quan BHXH; chi phí vận chuyển lớn, mức cước phí dịch vụ tại các địa phương không đồng nhất; đối với những đơn vị có trụ sở chính ở tỉnh ngoài, cán bộ nhận hồ sơ từ đơn vị và cán bộ chuyển hồ sơ đến cơ quan BHXH không đồng nhất gây khó khăn trong ký nhận, bàn giao; thời hạn giải quyết thủ tục hành chính có thể kéo dài vì có độ trễ thời gian khi nhận về từ đơn vị nhưng không chuyển ngay được cho cơ quan BHXH; xác định trách nhiệm của Bưu điện trong trường hợp làm mất, hỏng hồ sơ BHXH và việc làm lại hồ sơ trong một số trường hợp rất khó khăn, phức tạp.

Từ kết quả khảo sát thực tế, đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát thủ tục hành chính và ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tăng cường chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” và sớm có văn bản hướng dẫn chế độ hỗ trợ cho cán bộ tại bộ phận “một cửa” nói chung và cán bộ nhận hồ sơ trực tiếp tại đơn vị nói riêng; sớm ban hành các văn bản quy định về giao dịch hồ sơ điện tử, quy định về số định danh của đơn vị, người tham gia BHXH, BHYT để quản lý đối tượng thống nhất, hướng dẫn lập dự toán về kinh phí tiếp nhận và trả kết quả qua Bưu điện...; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố sớm giải quyết kiến nghị của đơn vị, triển khai thực hiện công khai thông tin về quá trình tham gia BHXH của người lao động thông qua trang web của BHXH địa phương, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác BHXH của doanh nghiệp, cung cấp cho doanh nghiệp phần mềm về các tính toán tiền lương, trích nộp BHXH, BHYT, BHTN.

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của BHXH các tỉnh, thành phố thông qua báo cáo của đoàn khảo sát. Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các thủ tục, biểu mẫu, quy trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính cho phù hợp với thực tế.

Nguồn TC BHXH