Nghiệm thu Đề án xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại bộ phận “một cửa” Ngành BHXH

15/10/2014 07:41 AM


Ngày 6/10/2014, BHXH Việt Nam tổ chức Hội đồng nghiệm thu Đề án xây dựng bộ quy tắc ứng xử của viên chức làm công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng.


Thay mặt nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Trần Phi, Chánh văn phòng, chủ nhiệm Đề án trình bày trước Hội đồng những kết quả của Đề án.

Đề án gồm 03 chương. Chương 1 làm rõ các khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu. Chương 2 đánh giá thực trạng việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại các cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện. Cụ thể việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được BHXH Việt Nam triển khai thí điểm tại 09 BHXH tỉnh, thành phố năm 2006; triển khai toàn Ngành năm 2008. Đến nay đã có 63 cơ quan BHXH cấp tỉnh, 701/703 cơ quan BHXH cấp huyện thành lập bộ phận “một cửa”. Theo thống kê, tổng số cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” trong Ngành là trên 1.800; trong đó trên 1.450 cán bộ có trình độ Đại học, chiếm 80%. Số làm việc tại bộ phận “một cửa” BHXH các tỉnh chiếm 27,2%, 72% làm việc tại BHXH huyện. Bình quân mỗi BHXH tỉnh bố trí 08 cán bộ, BHXH cấp huyện bố trí 02 cán bộ làm tại bộ phận “một cửa”. Trong năm 2013, tính trên cả nước, bình quân hàng tháng cơ quan BHXH các cấp tiếp nhận khoảng 2,7 triệu hồ sơ; một ngày nhận trên 90.000 hồ sơ; số lượng hồ sơ được giải quyết trung bình trong một tháng đạt 92%.  Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh là hai địa bàn có số lượng hồ sơ được tiếp nhận lớn nhất. Tại Đồng Nai, một tháng cơ quan BHXH cấp tỉnh phải tiếp nhận trên 99.000 hồ sơ, cơ quan BHXH cấp huyện tiếp nhận trên 59.000 hồ sơ; trung bình viên chức tại bộ phận “một cửa” BHXH cấp tỉnh phải tiếp nhận trên 7.600 hồ sơ /tháng. Tại TP. Hồ Chí Minh, bộ phận "một cửa" cơ quan BHXH thành phố phải tiếp nhận trung bình trên 52.00 hồ sơ/tháng, tại BHXH cấp huyện là trên 57.600 hồ sơ/tháng.

Qua 1500 phiếu khảo sát ý kiến của người dân tại 05 tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Hà Nội) cho thấy: 89% ý kiến hài lòng, 2,6% ý kiến chưa hài lòng với thái độ ứng xử. Về các hành vi nhũng nhiễu: 95% khẳng định không có hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, viên chức. Về phong cách thái độ ứng xử, 83% ý kiến hài lòng, 8,6% ý kiến chưa hài lòng về thái độ…

Một số hạn chế trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” được phân tích rõ: khối lượng công việc quá lớn, lượng công chức, viên chức lại quá ít; số các vụ việc phức tạp mất nhiều thời gian xử lý ngày càng nhiều (hồ sơ thoái thu, truy thu, cộng nối thời gian tham gia BHXH trước 1995…). Cách giải quyết, ứng xử của một số viên chức tiếp nhận hồ sơ đôi khi còn cứng nhắc, máy móc, chưa chủ động linh hoạt; một phần lý do cũng xuất phát từ áp lực công việc quá lớn.

Từ những kết quả thống kê, khảo sát trên, trong chương 3, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất các yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn chung đối với viên chức tiếp nhận hồ sơ trong Ngành BHXH. Viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa” phải có năng lực chuyên môn, tinh thông các hoạt động nghiệp vụ cơ bản, có kỹ năng giao tiếp, có tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật và đạo đức công vụ…Kiến nghị các cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện phải đảm bảo bố trí số lượng, chất lượng viên chức; đáp ứng đủ cơ sở, vật chất; tổ chức tập huấn, đào tạo thường xuyên, nghiên cứu đơn giản thủ tục hành chính…

Bộ Quy tắc ứng xử của viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa” được nhóm nghiên cứu xây dựng với 05 chương, 22 Điều (bao gồm: Chương 1 – Quy tắc chung , Chương 2 – Quan hệ với tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, Chương 3 – Quan hệ với đồng nghiệp, Chương 4 – Quan hệ với các bộ phận nghiệp vụ, Chương 5- Quan hệ với các cơ quan khác).

Đánh giá về kết quả nghiên cứu, các thành viên Hội đồng đều khẳng định tính cấp thiết của Đề án. Nhóm nghiên cứu đã hệ thống hoá, thống kê, khảo sát làm rõ thực trạng công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính của toàn Ngành BHXH; làm rõ được khối lượng công việc của cán bộ làm công tác này. Đề xuất, kiến nghị, Bộ quy tắc ứng xử của nhóm nghiên cứu đưa ra đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi cao. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: phần lý luận, khái niệm cần bám sát nội dung nghiên cứu, cần hệ thống hoá các văn bản quy định của BHXH Việt Nam; nêu rõ kinh nghiệm thực tiễn của BHXH các tỉnh, thành phố thay vì chỉ nêu số liệu thống kê chung chung. Nội dung  quy tắc ứng xử cần ngắn gọn dễ nhớ, lược bớt một số điểm chung chung không cần thiết…

Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhận xét: cần làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đây là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người dân, thể hiện rõ hình ảnh của Ngành BHXH. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đưa ra có tính khoa học, tuy nhiên nhóm nghiên cứu chưa phân tích sâu, mới chỉ dừng lại ở việc nêu con số thống kê. Quy tắc ứng xử được xây dựng còn chung chung, chưa bám sát nội dung công việc của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”

Trên cơ sở ý kiến đánh giá của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thị Xuân Phương yêu cầu nhóm nghiên cứu nhanh chóng hoàn thiện nội dung Đề án, sớm tham mưu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành, đưa bộ quy tắc ứng xử ứng dụng trong thực tiễn.

Các thành viên Hội đồng nhất trí đánh giá Đề án đạt loại Khá./.

Nguồn TC BHXH