Đảm bảo an toàn quỹ BHXH, tránh thiệt thòi cho NLĐ

25/09/2014 09:42 AM


Đây là một trong những nội dung được gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành TƯ; đại diện các đoàn ĐBQH khu vực phía Nam; các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước, quan tâm đánh giá và thảo luận tại Hội thảo khoa học “BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển” do Ban Kinh tế Trung ương và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức, tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 19/9/2014. Hội thảo do đồng chí Đinh Văn Cương- Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ; đồng chí Nguyễn Thị Minh- Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và đồng chí Đỗ Văn Sinh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đồng chủ trì.


BHXH - trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ Đinh Văn Cương nhấn mạnh, quyền đảm bảo an sinh xã hội được các bản Hiến pháp quy định ngày càng đầy đủ và toàn diện, phù hợp với từng giai đoạn của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân (Điều 34). Nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng cũng như các quy định của Hiến pháp về an sinh xã hội nói chung, BHXH nói riêng, chính sách BHXH bắt đầu ban hành từ năm 1993 và ngày càng được hoàn thiện. Từ chỗ đan xen, làm thay chính sách ưu đãi xã hội, cứu trợ xã hội, kế hoạch hoá gia đình..., nay chính sách BHXH đã thực hiện đúng chức năng là góp phần ổn định đời sống của NLĐ trong quá trình lao động và nghỉ hưu hoặc khi gặp rủi ro; khắc phục một bước tính bình quân nhưng vẫn đảm bảo tính xã hội thông qua việc điều tiết, chia sẻ rủi ro. Ngoài nhóm chính sách BHXH bắt buộc, chính sách BHXH tự nguyện bước đầu thu hút lao động khu vực phi chính thức tham gia. Chính sách BH thất nghiệp ra đời đã góp phần hỗ trợ ổn định đời sống NLĐ trong trường hợp bị mất việc làm. Chính sách BH hưu trí bổ sung cũng đang được thí điểm thực hiện.

Đánh giá tổng quan về chính sách, pháp luật BHXH ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, chính sách, pháp luật BHXH ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay luôn được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng đảm bảo ngày một tốt hơn quyền tham gia và quyền thụ hưởng của NLĐ, theo đó, góp phần đảm bảo ngày một tốt hơn mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh, chính sách, pháp luật BHXH thời kỳ này thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội hướng tới khẳng định BHXH là một trong các trụ cột cơ bản nhất của hệ thống an sinh xã hội của đất nước trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đồng thời, chính sách BHXH được thiết kế tuân thủ ngày một tốt hơn nguyên tắc đóng, hưởng có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH; giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa những người tham gia BHXH tại các thành phần kinh tế khác nhau; quyền lợi của NLĐ tham gia BHXH, người về hưu được đảm bảo và từng bước được cải thiện theo hướng tích cực. Và đặc biệt, trong thời kỳ này, Quỹ BHXH đã hình thành độc lập với NSNN, đủ khả năng thực hiện chi trả kịp thời, đúng chế độ cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Hoàn thiện chính sách- đảm bảo an toàn quỹ BHXH, tránh thiệt thòi cho NLĐ


Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH thời quan qua

Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đã thông tin tới các đại biểu kết quả thực hiện chính sách BHXH thời quan qua. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức mà BHXH đang đối mặt. Kết quả thực hiện chính sách BHXH cho thấy đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt khoảng 10,8 triệu người tham gia, tương đương 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. Đến cuối năm 2013, mới chỉ có khoảng 173 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. Nhìn chung, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là, trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ khi về già.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong qua trình thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt nổi cộm là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, cũng như những hành vi vi phạm pháp luật BHXH ngày càng phổ biến, và tinh vi hơn. Tính đến hết 31/8/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp đã lên tới 11.651,7 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 7.957,3 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp là 608,4 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng bày tỏ, đây là một trong những thách thức, trăn trở lớn của Ngành BHXH, vì trên thực tế nó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khoảng 714.000 NLĐ.

Cùng chia sẻ những lo ngại trước thực trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ngày một phổ biến, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định, các chế tài hiện nay không hiệu quả, không có tính răng đe cao, nên trên thực tế DN có xu hướng "nhờn Luật" và đang lây lan nhanh, gây thiệt hại cho cả NLĐ và BHXH. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cũng cho biết, hiện nay, số lao động đang làm việc tại các DN có khoảng 16 triệu người, nhưng số lao động tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 10,6 triệu người (kể cả khu vực hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang). Như vậy, còn khoảng trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng với số thu BHXH, BHYT khoảng 56.000 tỷ đồng/năm. Đây là thất thoát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Mặt khác, theo các kết quả điều tra, khảo sát thì số lao động chưa tham gia BHXH này, đa phần nằm trong nhóm lao động có hợp đồng lao động theo thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng.

Một thực tế bất cập khác trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, được ông Mai Đức Chính đề cập là đa số DN chỉ tham gia BHXH cho NLĐ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút, bình quân ở mức 2,8 triệu đồng, trong khi trả lương thực tế cho NLĐ bình quân là 3,8 triệu đồng. Với sự chênh lệch này, một năm BHXH thất thu khoảng 28.000 tỷ đồng. Và do mức đóng thấp, nên NLĐ chỉ được hưởng trợ cấp hưu trí thấp, thậm chí dưới chuẩn nghèo. Hiện Tp.HCM có khoảng 15% cán bộ hưu trí có lương hưu dưới chuẩn nghèo của TP.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS.Bùi Sỹ Lợi cung cấp thông tin về dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Để khắc phục phần nào những hạn chế, bất cập nói trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội TS.Bùi Sỹ Lợi cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH lần này đang quan tâm đến 2 mục tiêu quan trọng là, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, đồng thời, Nhà nước cần có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ BHXH thông qua việc giảm số lượng người hưởng trợ cấp một lần, xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc đóng- hưởng và tăng thời gian đóng BHXH, để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng BHXH và mức hưởng cao hơn của NLĐ.

Bên cạnh đó, TS.Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, trong quá trình xây dựng và bổ sung Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có nhiều ý kiến đồng ý tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH trong việc thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với DN nợ đọng BHXH, vì cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội, không xem BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp đơn thuần mà là một tổ chức tài chính, có chức năng quản lý quỹ, thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc tuân thủ pháp luật BHXH.

Tại Hội thảo, ngoài các nội dung chính như đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH trong những năm qua, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra các định hướng phát triển chính sách BHXH ở Việt Nam trong thời gian tới; cũng đã có 13 ý kiến chia sẻ và nhận được sự trao đổi, phản hồi đa chiều của các đại biểu. Theo đó các đại biểu đều thống nhất trên một số nội dung. Cụ thể như, đối với dự thảo Luật BHXH sửa đổi: Thực hiện tiền lương làm cơ sở đóng BHXH đúng theo Điều 90 Bộ luật Lao động (tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) ngay từ 01/7/2015 khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, chứ không lùi lại; Cần mở rộng các đối tượng tham gia BHXH với nhóm NLĐ có HĐLĐ từ 1- dưới 3 tháng, cán bộ bán chuyên trách ở xã- phường, nông dân, NLĐ khu vực phi kết cấu có hỗ trợ từ ngân sách; bổ sung chức năng thanh tra thu cho BHXH Việt Nam;… Đề nghị, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, trong trường hợp NLĐ đã trích tiền lương đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không đóng BHXH cho cơ quan BHXH, làm ảnh hưởng tới quyền lợi thiết thân của NLĐ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, những vấn đề được đưa ra thảo luận, trao đổi tại Hội thảo là những vấn đề hết sức quan trọng và đều thống nhất là phải tính toán, xây dựng chính sách BHXH một cách bền vững, lâu dài. Trong những ý kiến đưa ra trao đổi, thảo luận, thì một số vấn đề đã được giải quyết ngay trong Luật BHXH sửa đổi tới đây, một số vấn đề sẽ tiếp tục được tính toán, triển khai theo lộ trình; một số kinh nghiệm quốc tế và những phân tích, đánh giá, cũng như các giải pháp của một số chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và đạt mục tiêu cao nhất là tính bền vững trong tương lai của chính sách BHXH./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn