Hội thảo khoa học “BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển”

17/09/2014 01:54 AM


Sáng nay 15/9/2014, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển”. GS TS.Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và TS. Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.


Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Tham dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội khu vực phía Bắc và lãnh đạo BHXH một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự.


GS TS.Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, GS TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, BHXH giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú ý lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH. Trong các kỳ đại hội của Đảng, đặc biệt là từ Đại hội lần thứ VII trở lại đây, việc phát triển, đổi mới chính sách BHXH luôn được Đảng ta coi trọng và có nhiều văn bản chỉ đạo. Nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, các quy định của Hiến pháp về an sinh xã hội nói chung, BHXH nói riêng, chính sách, pháp luật BHXH ở nước ta cũng ngày càng hoàn thiện, từ việc thực hiện Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ, đến năm 2006, Luật BHXH được ban hành. Ngoài nhóm chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện bước đầu thu hút lao động khu vực phi chính thức tham gia. Chính sách BHTN ra đời đã góp phần hỗ trợ ổn định đời sống người lao động trong trường hợp bị mất việc làm… Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, việc cải thiện các chỉ số an sinh xã hội thông qua việc hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, giải pháp và định hướng phát triển BHXH luôn là vấn đề được quan tâm sâu sắc không chỉ đối với Đảng, Nhà nước ta, mà còn đối với cả cán bộ hoạch định chính sách, các nhà khoa học; thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Với ý nghĩa ấy, Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới, chia sẻ về những khó khăn, thách thức; đồng thời đưa ra các định hướng phát triển chính sách BHXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trình bày tham luận tại Hội thảo của TS.Phạm Đỗ Nhật Tân, Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển chính sách, pháp luật BHXH ở Việt Nam từ năm 1995 đến nay, không ngừng được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng đảm bảo ngày một tốt hơn quyền tham gia và quyền thụ hưởng của người lao động về BHXH. Chính sách, chế độ BHXH được thiết kế tuân thủ ngày một tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng, có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH; giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa những người tham gia BHXH tại các thành phần kinh tế khác nhau; quyền lợi của người lao động tham gia BHXH, người về hưu được đảm bảo và từng bước được cải thiện theo hướng tích cực. Hình thành Quỹ BHXH độc lập với ngân sách nhà nước, đủ khả năng thực hiện chi trả kịp thời, đúng chế độ cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định. Chức năng quản lý nhà nước về BHXH được tăng cường và được phân định rõ ràng, cụ thể cùng với việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức sự nghiệp trong lĩnh vực BHXH, khắc phục sự chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả của các giai đoạn trước đây.

Đại diện cho cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, phát biểu tham luận của TS.Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã đánh giá cụ thể những kết quả thực hiện chính sách BHXH từ năm 1995 đến nay. Bên cạnh những kết quả nổi bật như đối tượng tham gia BHXH tăng nhanh qua các năm, số thu BHXH có sự tăng trưởng vượt bậc, quyền lợi của người tham gia BHXH được đảm bảo, công tác BHXH cũng còn có một số tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân là do ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, người lao động còn hạn chế; chế tài xử phạt vi phạm pháp luật BHXH chưa đủ mạnh nên không đảm bảo tính răn đe; công tác phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra giữa BHXH các cấp với các ban, ngành ở địa phương chưa hiệu quả; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản) và BHTN còn có diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH chưa sâu rộng, thiếu đa dạng và chưa phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù... Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Ngành BHXH đã chủ động xây dựng và triển khai một số giải pháp lớn mà trọng tâm là đổi mới và tạo sự đột phá trong công tác tuyên truyền; đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH; tăng cường công tác quản lý giải quyết hưởng các chế độ BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động nghiệp vụ của ngành và tiếp tục kiện toàn hơn nữa tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng của Ngành trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác BHXH, BHYT; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, tăng cường các chế tài nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật BHXH...

Hội thảo cũng được nghe ý kiến tham luận của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò là tổ chức bảo đảm quyền lợi về BHXH cho người lao động; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tham luận về trách nhiệm của người sử dụng lao động với việc thực hiện chính sách BHXH nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Phát biểu về công tác thanh tra thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam trong gần 20 năm qua, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra về lĩnh vực BHXH chưa đạt được yêu cầu đề ra, hoạt động thanh tra mới dừng lại ở các cuộc thanh tra đơn lẻ theo kế hoạch hoặc đột xuất do yêu cầu nhiệm vụ hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chưa triển khai cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc để đánh giá khách quan ưu điểm, khuyết điểm và kiến nghị toàn diện các vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách, góp phần chấn chỉnh quản lý, xử lý vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Về giải pháp xử lý những bất cập này, đại diện Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị, sửa đổi Luật BHXH cần tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH.

Cung cấp thông tin về quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, TS.Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan được Quốc hội giao trọng trách thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tin nhanh đến các đại biểu tham dự Hội thảo những nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật BHXH Sửa đổi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 30 diễn ra từ ngày 11 đến 15/8/2014. Tính đến thời điểm này (tháng 09/2014), Dự thảo Luật BHXH Sửa đổi tập trung vào 03 nhóm vấn đề cơ bản: (1) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thông qua việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH tự nguyện và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; (2) Có lộ trình điều chỉnh tiền lương làm cơ sở đóng BHXH và thay đổi công thức tính lương hưu nhằm đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng; (3) Bổ sung quy định giao thẩm quyền thanh tra lĩnh vực thu, nộp BHXH cho cơ quan BHXH; quy định về chi phí quản lý BHXH và hoạt động đầu tư Quỹ BHXH…

Hội thảo cũng dành thời gian lắng nghe các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chưa sẻ những kinh nghiệm quốc tế về phát triển BHXH tự nguyện; những bất cập và hướng hoàn thiện hệ thống hưu trí của Việt Nam từ bài học quốc tế…


TS.Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, TS.Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, tổng kết những thành tựu trong công tác BHXH sau 20 năm đổi mới là hết sức quan trọng. Từ phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập qua chính sách và thực hiện chính sách BHXH để chỉ ra sự cần thiết, sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH và đưa ra định hướng, những điểm mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung. Từ đó, xác định định hướng phát triển BHXH ở Việt Nam trong thời gian tới là: Chính sách BHXH tiếp tục mở rộng phạm vi bao phủ, hướng tới mọi người lao động đều tham gia và thụ hưởng BHXH; đa dạng hóa loại hình BHXH; bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, bảo đảm cân đối quỹ BHXH. Tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ để xác lập điều kiện và lộ trình thích hợp chuyển dần từ hệ thống tài chính BHXH hiện hành sang hệ thống tài chính tài khoản cá nhân danh nghĩa nhằm đảm bảo Quỹ BHXH có khả năng ổn định và cân đối trong dài hạn. Đồng thời, khẳng định việc ban hành Luật BHXH (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp 2013 về BHXH nói riêng, về an sinh xã hội nói chung là hết sức cần thiết và cấp bách. Trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH cũng như để đưa Luật đi vào cuộc sống, BHXH Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hợp tác của các nhà khoa học, của các cơ quan, đơn vị, của các bộ ngành và của toàn xã hội.

Tiếp theo, ngày 19/9/2014, Hội thảo "BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển" sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh/.

Nguồn TC BHXH