Phổ biến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
10/09/2014 03:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 09/09/2014, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh phát biểu kết luận Hội nghị
Ngày 13/06/2014, Quốc hội thông qua Luật số 46/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ngày 27/08/2014, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 3151/HD-BHXH về hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Triển khai Công văn số 3151/HD-BHXH, cơ quan BHXH Việt Nam tiến hành tổ chức hội nghị phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm bắt và hiểu rõ hơn về Luật, cũng như những điểm mới của Luật.
Tại Hội nghị, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn đã truyền đạt, cung cấp thông tin về những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi. Trải qua gần 05 năm thực hiện Luật BHYT, hiện Việt Nam có 63 triệu người tham gia BHYT. Tính riêng từ năm 2008 - năm Luật BHYT bắt đầu có hiệu lực – tới nay, số người tham gia đã tăng 50%. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh mặt đạt được, cũng xuất hiện một số bất cập như lạm dụng Quỹ BHYT; trình trạng “lựa chọn ngược” (chỉ người có bệnh mới tham gia BHYT); nợ đọng BHYT cao, trong khi chưa có chế tài xử phạt hợp lý; sự vào cuộc của các cấp, ngành tại một số nơi chưa thực sự tích cực... Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để phù hợp với tình hình mới.
Sau một thời gian dài thảo luận, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014; được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật vào ngày 30/06 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Nội dung của Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá, như sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; bổ sung khái niệm "hộ gia đình tham gia BHYT”, “gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả” để thực hiện hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình với một số nhóm đối tượng và quy định những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT; bổ sung quy định mức hưởng BHYT được xác định theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT; sắp xếp từ 25 nhóm đối tượng thành 05 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT; quy định lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống BHYT; quy định người đang tại ngũ trong quân đội, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo... được ngân sách nhà nước đóng BHYT; quy định các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT (người có công với cách mạng, trẻ em dưới 06 tuổi, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người thuộc hộ gia đình nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 06 tuổi; thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nâng mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng và mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT từ ngày 01/01/2016; tăng mức phạt doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng BHYT (phải đóng đủ số tiền chưa đóng, nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất liên ngân hàng, hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT)...
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là việc làm cần thiết, bổ ích cho mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan BHXH Việt Nam nói riêng và toàn Ngành BHXH nói chung, bởi chỉ khi nắm bắt, hiểu rõ Luật, mới có thể triển khai, thực hiện tốt. Phó Tổng Giám đốc yêu cầu công tác tuyên truyền Luật cần được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Các ban nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên truyền chủ động cung cấp thông tin về cho Luật cho các phương tiện thông đại chúng. Tạp chí BHXH, Báo BHXH tăng cường lương tin, bài tuyên truyền về Luật. BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động báo cáo, phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, ngành trong tuyên truyền, thực hiện Luật. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành BHXH là phải là một tuyên truyền viên, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT – đặc biệt, là những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT - tới nhân dân, người lao động, để từ đó, họ hiểu rõ và tự giác tham gia BHYT.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...