Tăng cường hướng dẫn công tác tham gia tố tụng và thi hành án dân sự về BHXH cho các địa phương

14/08/2014 02:03 AM


Sáng 13/8, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tham gia tố tụng và thi hành án dân sự của BHXH địa phương, đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo công văn hướng dẫn công tác tố dụng dân sự và thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí: đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế các Bộ: Tài chính, Y tế, LĐ-TB&XH; đại diện lãnh đạo Tòa Dân sự, Tòa Lao động, Viện Khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao), Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao); Trưởng, Phó các Ban chuyên môn, nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; Giám đốc BHXH 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên).


Tính đến 31/7/2014 số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là trên 11.007,4 tỷ đồng (tăng 628,1 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 30/6/2014), chiếm 6,18% so với tổng số thu và tăng 1.486,8 tỷ đồng (khoảng 15,6%) so với cùng kỳ năm 2013.  Mặc dù, toàn Ngành đã dốc sức với nhiều giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền  phát triển đối tượng, cũng như quyết liệt trong công tác thu hồi nợ nhưng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn ngày một tăng cao với nhiều hành vi trục lợi, trốn đóng tinh vi hơn. Trước thực trạng này, tại hội nghị giao ban công tác tháng 8 của BHXH Việt Nam, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, cần kiên quyết lập hồ sơ, khởi kiện những DN nợ dây dưa, kéo dài và đồng thời khẳng định, trong thời điểm này, đây vẫn là biện pháp thu hồi nợ đọng tối ưu nhất.

Thời gian qua, công tác khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH các tỉnh, thành phố đã triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, công tác tham gia tố tụng, thi hành án dân sự tại BHXH các tỉnh, thành phố cũng có chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị khởi kiện, tham gia tố tụng và thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH tại các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ông Phan Văn Mến, Trưởng Ban Pháp chế BHXH Việt Nam cho biết, từ năm 2010 đến năm 2013, cơ quan BHXH tại các địa phương đã khởi kiện 3.976 DN nợ BHXH ra tòa với tổng số nợ là 1.788 tỷ đồng, tổng số tiền thu được là 736 tỷ đồng. Trong số 1.021 vụ có bản án, quyết định của Tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 722 vụ, còn 299 vụ không được thi hành án (chiếm 29%). Nguyên nhân tình trạng này là do: sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan thi hành án các cấp chưa chặt chẽ; cơ quan BHXH gặp khó khăn khi xác minh điều kiện thi hành án; đơn vị thi hành án khó khăn về tài chính không có điều kiện thi hành án; khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành án; thời hạn thi hành án kéo dài. Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia tố tụng tại các địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ quan BHXH; hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Tòa án; về thời gian thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử…

Tại hội nghị, ý kiến từ địa phương của BHXH 05 tỉnh, thành phố đều thống nhất với những khó khăn, vướng mắc mà báo cáo đề ra. Bên cạnh đó, đại diện BHXH các tỉnh, thành phố nhấn mạnh đến vấn đề: cán bộ BHXH chưa có đủ kiến thức, cũng như kỹ  năng về các thủ tục khởi kiện, và đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn tham gia tố tụng dân sự và thi hành án dân sự cũng như tập huấn cụ thể về nội dung này cho các địa phương.

Trước những khó khăn, vướng mắc của Ngành BHXH trong vấn đề tham gia tố tụng dân sự và thi hành án dân sự,  theo đại diện lãnh đạo Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật- Bộ Tư pháp thì, do quy trình khởi kiện cần nhiều thủ tục liên quan và phải thực hiện theo Luật nên không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc đâu đó, vì cơ bản hiện nay, cơ chế chính sách trong công tác phối hợp của chúng ta đôi chỗ còn chưa nhất quán, cần phải trao đổi, thống nhất và tháo gỡ dần dần; Bộ Tư pháp luôn sẵn sàng hỗ trợ BHXH Việt Nam khi cần thiết và BHXH Việt Nam chủ động xây dựng chương trình, quy chế phối hợp cụ thể với Ngành Tư pháp để thuận lợi trong công tác phối hợp triển khai thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo Tòa Lao động (Toà án nhân dân tối cao) chia sẻ, về nghiệp vụ thụ lý, giải quyết các vụ án trong lĩnh vực BHXH, đa phần cán bộ tòa án đều chưa có kỹ năng và kinh nghiệm nên không thể tránh khỏi những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp xử lý các vụ tố tụng dân sự mà Ngành BHXH khởi kiện. Đại diện Tòa Lao động cho biết, dự kiến, trong tháng 8/2014, Tòa Lao động sẽ tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng thụ lý các vụ án trong lĩnh vực BHXH tại 3 vùng miền.

Sau khi nghe các đại biểu phát biểu làm rõ những tồn tại, vướng mắc cũng như chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm hỗ trợ quan trọng trong tổ chức tham gia tố tụng dân sự và thi hành án dân sự về lĩnh vực BHXH, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án, căn cứ trên các kiến nghị, đề xuất của BHXH Việt Nam tiếp tục giúp đỡ, tăng cường phối hợp và hỗ trợ thông tin, hướng dẫn để Ngành BHXH triển khai tốt công tác khởi kiện, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của NLĐ một cách hiệu quả nhất. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng yêu cầu, Ban Pháp chế- BHXH Việt Nam tiếp tục lấy ý kiến góp ý, sớm hoàn chỉnh dự thảo công văn hướng dẫn tham gia tố tụng dân sự và thi hành án dân sự trong lĩnh vực BHXH của Ngành, đồng thời tổ chức tập huấn triển khai công tác này để tạo thuận lợi cho BHXH các tỉnh, thành phố trong công tác triển khai khởi kiện thu hồi nợ đọng BHXH thời gian tới./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn