Triển khai Nghị định số 05/2014/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện dự toán thu, chi năm 2014

17/04/2014 09:21 AM


Ngày 15/04/2014, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 05/2014/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện dự toán thu, chi năm 2014. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì Hội nghị.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và những thành tựu toàn Ngành đã đạt được trong thời gian qua. Để thực hiện thành công Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phát triển đối tượng, quản lý quỹ, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng… thì toàn Ngành cần nỗ lực hơn, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng, đưa ra những giải pháp căn cơ, tổng thể, đồng bộ. Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ngành cũng tiếp tục được Chính phủ quan tâm, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn thông qua việc ban hành Nghị định 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014. Tổng Giám đốc nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của BHXH Việt Nam, gắn kết với việc thực hiện dự toán thu, chi năm 2014 của Ngành, và triển khai một số nội dung chủ yếu về sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, BHYT. Đây là những nội dung lớn, tác động trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới. Tổng Giám đốc đề nghị Hội nghị tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tích cực thảo luận, bàn bạc, đóng góp ý kiến xây dựng để Hội nghị đạt được kết quả như mong muốn.

Tại Hội nghị, triển khai nhiệm vụ thu, chi năm 2014, hướng dẫn của BHXH Việt Nam về tạm giao dự toán năm 2014 nêu rõ căn cứ dựa trên mức lương cơ sở được thực hiện theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013/NĐ-CP của Chính phủ là 1,15 triệu đồng/tháng; mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng thực hiện theo Nghị định số 73/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ; mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động thực hiện theo Nghị định số 183/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ; tỷ lệ đóng góp tăng do chính sách điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH từ 24% lên 26%, tăng 02% so với năm 2013 theo lộ trình quy định tại Điều 91 và Điều 92 Luật BHXH.

Năm 2014, chỉ tiêu thu BHXH bắt buộc tạm giao là 127.574 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao, tăng 22.235 tỷ đồng (21%) so ước thực hiện năm 2013. Đây là chỉ tiêu pháp lệnh được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này tương đối cao so với các năm trước. Chi BHXH bắt buộc tạm giao là 131.744 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao, tăng 14.065 tỷ đồng (11,95%) so ước thực hiện năm 2013. Trong đó, chi BHXH nguồn ngân sách nhà nước giao 42.600 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng (0,57%) so ước thực hiện năm 2013, do thực hiện mức lương hưu, trợ cập theo Nghị định số 73/2013/NĐ-CP đủ 12 tháng, đối tượng hưởng giảm do chết. Chi BHXH từ nguồn Quỹ BHXH giao 89.144 tỷ đồng, tăng 13.824 tỷ đồng (18,35%) so ước thực hiện năm 2013 do tăng đối tượng hưởng lương hưu trợ cấp BHXH và số lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản.

Về thu, chi BHXH tự nguyện, thu tạm giao 690 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao, tăng 138 tỷ đồng (25%) so ước thực hiện năm 2013 do tăng đối tượng tham gia và lương cơ sở; chi tạm giao 100 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao, tăng 824 triệu đồng (0,83%) so ước thực hiện năm 2013, chủ yếu giải quyết chính sách theo các chế độ quy định đối với những người đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Thu, chi BHTN, thu tạm giao 11.714 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao, tăng 1.619 tỷ đồng (16%) so ước thực hiện năm 2013 do tăng số đối tượng tham gia và thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng đủ 12 tháng. Chi tạm giao 3.525 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao.

Thu, chi BHYT, thu tạm giao 53.341 tỷ đồng, bằng 100% dự toán được giao, tăng 4.876 tỷ đồng (10%) so ước thực hiện năm 2013 do tăng số đối tượng tham gia và thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng đủ 12 tháng. Chi tạm giao 46.244 tỷ đồng, bằng 82% dự toán được giao, số còn lại tạm thời chưa phân bổ.

Tại Hội nghị, kế hoạch triển khai Nghị định số 05/2014/NĐ-CP và những nội dung quan trọng sửa đổi, bổ sung Luật BHXH và Luật BHYT được BHXH Việt Nam phổ biến, quán triệt sâu sắc tới các đại biểu tham dự. Đồng thời, Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận các nội dung, giải pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy theo Nghị định mới của Chính phủ và các nội dung về công tác thu, chi, giải quyết nợ đọng BHXH, BHYT...

Cũng tại Hội nghị, 10 tập thể có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013 được nhận Cờ thi đua Chính phủ (Ban Kiểm tra, BHXH Việt Nam; Trung tâm lưu trữ, BHXH Việt Nam; BHXH tỉnh Cao Bằng; BHXH tỉnh Tuyên Quang; BHXH tỉnh Nghệ An; BHXH thành phố Đà Nẵng; BHXH tỉnh Đắk Lắk; BHXH tỉnh Đồng Tháp; BHXH tỉnh Vĩnh Long; BHXH tỉnh Quảng Bình); 09 tập thể được nhận Cờ thi đua của BHXH Việt Nam (Tạp chí BHXH, Văn phòng trực thuộc BHXH Việt Nam; BHXH tỉnh Hải Dương; BHXH tỉnh Bắc Kạn; BHXH thành phố Hà Nội; BHXH tỉnh Quảng Ngãi; BHXH tỉnh Kon Tum; BHXH tỉnh Long An; BHXH tỉnh Hậu Giang)...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh ghi nhận những ý kiến tham gia thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu. Tổng Giám đốc nhấn mạnh những đóng góp của toàn Ngành đã tích cực phối hợp nghiên cứu đề xuất các nội dung đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT; nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm. Chính vì vậy, các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đã cơ bản hoàn thành, số người tham gia BHXH, BHYT đến nay đạt gần 61.091.590 người, tăng 1.914.259 người (3,1%) so với cùng kỳ năm 2013; số thu đến hết tháng 03/2014 đạt 39.492,2 tỷ đồng, tăng 7.309,1 tỷ đồng (18,5%) so với cùng kỳ năm 2013, đạt 20,43% so với kế hoạch giao; các chế độ chính sách đối với người lao động và nhân dân được duy trì và đảm bảo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, việc thực hiện nhiệm vụ còn nhiều tồn tại. Số người tham gia BHXH, BHYT đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng (đối tượng tham gia BHXH mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động, đối tượng tham gia BHYT mới chiếm khoảng 70%). Số nợ BHXH, BHYT còn khá cao, đến 31/03/2014, số nợ là 11.187,6 tỷ đồng, chiếm 6,28% so với tổng số phải thu, tăng 1.998,5 tỷ đồng (17,9%) so với cùng kỳ năm 2013.

Tổng Giám đốc nhận định: năm 2014, là năm đầu Ngành BHXH triển khai nhiệm vụ trong điều kiện tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Ngành và một số văn bản pháp luật về BHXH, BHYT tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kế hoạch được Chỉnh phủ giao đều tăng so với năm trước. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2014 và những năm tiếp theo, Tổng Giám đốc yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tiếp cận làm việc với các đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin về các nội dung đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, BHYT, nhằm tạo sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, BHYT. Tổng Giám đốc nhấn mạnh việc Chính phủ ban hành Nghị định 05/2014/NĐ-CP về chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Ngành, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Ngành trong xã hội, vì vậy Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố cần tổ chức quán triệt, phổ biến toàn thể cán bộ công chức, viên chức về các nội dung cơ bản của Nghị định này, nhất là những điểm mới, những nội dung sửa đổi bổ sung, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung theo định hướng chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Trên cơ sở dự toán thu, chi được giao, Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ dự toán cho các đơn vị, đồng thời chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định. Tổ chức rà soát các nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 và mục tiêu chương trình hành động triển khai Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị để xây dựng giải pháp phù hợp; tích cực, chủ động tham gia các Bộ, ngành trong xây dựng các văn bản pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện; tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quản lý chỉ đạo đảm bảo đúng quy định, đúng thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ. Phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các văn bản, đơn thư đối tượng. Tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan đến các giải pháp, trong đó tập trung giải pháp tuyên truyền vận động đối tượng tham gia; giải pháp thanh tra, kiểm tra, chống làm dụng trục lợi, khởi kiện, xử lý vi phạm… nhằm hoàn thành vượt mưc chỉ tiêu, phát triển đối tượng, chỉ tiêu thu và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Tăng cường quản lý tài chính, quản lý sổ, thẻ, giải quyết chế độ, nhất là đối với cấp huyện nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động và nhân dân; nghiên cứu triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng cấp trùng thẻ, lạm dụng, trục lợi hướng các chế độ BHXH và chi phí khám, chữa bệnh BHYT, phấn đấu Quỹ BHYT được cân đối và có kết dư dự phòng. Thực hiện tốt công tác giám định, thanh toán các chi phí khám, chữa bệnh, tham gia đấu thầu thuốc; quán lý chặt chẽ giá thuốc, theo dõi sát sao việc triển khai thực hiện giá viện phí mới tại các cơ sở khám, chữa bệnh để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh trao tặng Cờ thi đua Chính phủ năm 2013 cho 10 tập thể


Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh trao tặng Cờ thi đua của BHXH Việt Nam cho 09 tập thể

Nguồn TC BHXH