BHXH Việt Nam:Giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tháng 05/2014

13/05/2014 09:29 AM


Ngày 13/05/2014, BHXH Việt Nam họp phiên giao ban thường kỳ tháng 5, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh. Tham dự có các Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Đình Khương, Nguyễn Minh Thảo, Đỗ Thị Xuân Phương cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.


Báo cáo tóm tắt kết quả công tác tháng 04, nhiệm vụ công tác tháng 05/2014 do Văn phòng BHXH Việt Nam cho thấy: số thu BHXH, BHYT đạt 13.597 tỷ đồng, nâng số thu từ đầu năm đến hết tháng 04 lên 53.091,3 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,46% so với kế hoạch giao; số người tham gia BHXH, BHYT tăng 505.363 người, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 10,9 triệu người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.

Tính đến ngày 30/04, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT là 12.451,6 tỷ đồng, chiếm 6,99% so với tổng số phải thu, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10 địa phương có tỷ lệ nợ so với số phải thu cao là Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Phước, Cà Mau, Hòa Bình, Đắk Nông, Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Thuận; 10 địa phương có tỷ lệ nợ so với số phải thu thấp là Điện Biên, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Đáng chú ý, là tỷ lệ nợ khá cao của một số tỉnh, thành có số thu lớn là TP. Hồ Chí Minh (8,5%), Đà Nẵng (6,7%), Đồng Nai (6,7%), Hà Nội (6,6%) và Bình Dương (6,3%). Trong tháng, đã giải quyết cho 569.748 lượt người hưởng chế độ BHXH; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 11.192.670 lượt người; chi 14.188,9 tỷ đồng các chế độ BHXH, BHYT; từ đầu năm đến nay, cấp 10.581.285 sổ BHXH, 60.510.100 thẻ BHYT. Đồng thời, BHXH Việt Nam ban hành 594 văn bản về quy định, quy chế, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ...; thực hiện 12 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, 03 cuộc theo chuyên quản tại BHXH tỉnh, thành phố; tham dự, tổ chức 08 cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Dược; trả lời 487/717 văn bản, đơn thư, tỷ lệ 67%, số tồn đọng chủ yếu do mới nhận, đang trong thời gian giải quyết hoặc chờ ý kiến Bộ, ngành.

Riêng về công tác tuyên truyền, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh là một trong những công tác quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, là nhiệm vụ chung của toàn Ngành, nhất là thời điểm trước khi Dự thảo Luật BHXH, Luật BHYT sửa đổi trình Quốc hội. Để kịp thời chuyển tải các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, Tổng Biên tập Tạp chí BHXH Dương Văn Thắng cho biết, ngay từ năm 2013, đặc biệt trong Quý 01/2014, Tạp chí BHXH đã đăng tải nhiều tin, bài về chủ đề này; số ra kỳ 02, tháng  05, chuyên đề về sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT, phát hành ngày 20/05 đang được đơn vị tập trung tổ chức thực hiện. Dự kiến, ngoài số lượng phát hành hằng tháng, 500 cuốn in bổ sung số đặc biệt sẽ được chuyển đến tận tay các đại biểu Quốc hội, trước khi vấn đề được đưa ra bàn bạc, thảo luận. Về phía Báo BHXH, thời gian qua đã tăng cường tin, bài và cử 02 phóng viên theo dõi chuyên sâu. Một số các Ban nghiệp vụ liên quan cũng phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài Ngành. Ngày 12/05, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT Quý II/2014 với sự tham dự của nhiều đại diện cơ quan truyền thông, báo chí...

Sau khi nghe ý kiến của các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo Ban nghiệp vụ, kết luận phiên họp giao ban, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh ghi nhận sự nỗ lực của toàn Ngành trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc cũng lưu ý một số vấn đề đáng lo ngại như số thu còn thấp so với cùng kỳ năm ngoái; tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn phổ biến, trong đó một số địa phương chỉ tiêu thu lớn có tỷ lệ nợ cao đã ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ chung của toàn Ngành; tình hình giải quyết văn bản, đơn thư chưa cao; chi phí giám định; công tác tuyên truyền mặc dù có nhiều có gắng, nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ còn nhiều hạn chế. Tổng Giám đốc yêu cầu lãnh đạo Ngành và các ban nghiệp vụ tăng cường đi thực tế, đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt hơn nhằm tăng số thu, giảm nợ đọng; quan tâm giải quyết văn bản, đơn thư một cách triệt để, tránh gây bức xúc, phản ứng tiêu cực trong dư luận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về kinh phí đầu tư, nội dung cách làm, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc; kịp thời chuyển kinh phí khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, song song với kiểm soát bội chi; rà soát kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, ưu tiên các đề tài thiết thực với Ngành như nguyên tắc đóng - hưởng, cân đối quỹ, mô hình và kinh nghiệm sửa luật BHXH, BHYT của các quốc gia trên thế giới…

Nguồn TC BHXH