Hội thảo giám sát giá, chi tiêu và tiêu thụ thuốc tại bệnh viện

11/12/2013 01:44 AM


Ngày 06/12/2013, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo giám sát giá, chi tiêu và tiêu thụ thuốc tại bệnh viện do BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức. Tới dự và chủ trì có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo; đại điện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; các Vụ, cục thuộc Bộ Y tế, một số Sở Y tế và BHXH tỉnh, thành phố.


Hoạt động “giám sát giá, chi tiêu và tiêu thụ thuốc tại bệnh viện” được thực hiện theo hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Y tế thế giới. Thời gian thực hiện từ năm 2012 và 06 tháng 2013, tại 17 bệnh viện trên 06 tỉnh, thành phố gồm (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cân Thơ, Hải Phòng, Hà Tĩnh). Mục đích của hoạt động nhằm đánh giá thực trạng giá thuốc, mức tiêu thụ và chí phí tại một số bệnh viện; tình hình giám sát sử dụng thuốc và thanh toán tiền thuốc của cơ quan BHXH; xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp để giám sát giá thuốc, lựa chọn và sử dụng thuốc, chi phí thuốc tại bệnh viện nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng quỹ BHYT.

Báo cáo của BHXH Việt Nam về kết quả hoạt động giám sát giá thuốc, chi tiêu và tiêu thụ tại bệnh viện: Tại Việt Nam, thuốc do quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh phải được cung ứng thông qua đấu thầu. Trong chi phí khám, chữa bệnh BHYT, thuốc chiếm một tỷ trọng chi phí khá lớn trong cơ cấu (khoảng 64% tổng chi phí). Từ khi thực hiện đấu thầu thuốc theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-BYT-BTC hiện nay (thay thế Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC) đã góp phần đảm bảo mục tiêu lựa chọn thuốc chất lượng với giá thành phù hợp, minh bạch trong quá trình đấu thầu, giảm thiểu các chi phí hành chính trong quá trình đấu thầu. Giá thuốc đấu thầu theo Thông tư 01 năm 2013 đã giảm được 30 đến 50% giá thuốc.

Tuy nhiên, thời gian qua giá thuốc BHYT vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, cùng một thuốc, hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế được trúng thầu với các tên thương mại có giá rất khác nhau, có khi chênh nhau nhiều lần. Mặt khác, cùng một thuốc, một nhà sản xuất, nước sản xuất, giá thuốc trúng thầu vẫn có sự chệnh lệch lớn giữa các địa phương, thậm chí trên cùng địa bàn thành phố (có nơi chênh lệch 30% đến 40%). Bên cạnh đó, mặc dù Thông tư 01 có hiệu lực từ 01/06/2012, thì việc tổ chức đấu thầu thuốc năm 2013 theo Thông tư 01 vẫn còn chậm chễ tại nhiều địa phương như Đã Nẵng, Hải Phòng, Bệnh viện E… đặc biệt tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Việc chậm chễ trong quá trình đấu thầy thuốc dẫn đến hoạt động mua thuốc của cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn và chi phí thuốc tăng cao. Bên cạnh đó, chất lượng của công tác đấu thầu thuốc không những phụ thuộc vào giá thuốc, mà yếu tố then chốt là tỷ lệ sử dụng thuốc giữa các nhóm thuốc. Đây là một vấn  đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức quản lý, thanh toán chi phí thuốc BHYT… Chính vì vậy, việc lựa chọn danh mục thuốc hợp lý, sử dụng và chỉ định các thuốc có chất lượng và chi phí tốt sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc y tế, góp phần sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, Nghiêm Trần Dũng nhận mạnh: thuốc điều trị luôn gắn chặt với quyền lợi BHYT nhưng rất phức tạp trong quản lý, sử dụng. Chi phí về thuốc ngày càng tăng và luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi của Quỹ BHYT. Theo thống kê, năm 2010, tổng chi tiền thuốc của Quỹ BHYT chiếm 60% tổng chi khám, chữa bệnh của quỹ. Tỷ lệ này tăng lên 61,3% trong năm 2011, và 60,6% trong năm 2012. Đây là một tỷ lệ vượt xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới so với tổng chi phí khám, chữa bệnh. Phó Vụ trưởng Vụ BHYT đề xuất giải pháp cần xây dựng phác đồ, hướng dẫn điều trị chuẩn; thúc đẩy hơn nữa hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong từng bệnh viện sao cho lựa chọn, chỉ định thuốc với mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả hơn. Xây dựng danh mục thuốc thiết yếu (EDL), danh mục thanh toán BHYT; chính sách về đấu thầu, mua sắm, quản lý giá nhất là với thuốc mới; xem xét chặt chẽ việc đăng ký lưu hành thuốc. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh nên ưu tiên lựa chọn thuốc generic và các thuốc sản xuất trong nước vừa bảo đảm hiệu quả chữa bệnh vừa tiết kiệm chi phí.

BHXH Việt Nam đề xuất giải pháp: cần có hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh bổ dung thêm chứng từ lưu khi thực hiện khám, chữa bệnh ngoại trú; yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh khi thanh toán viện phí với người bệnh; ban hành danh mục thuốc BHYT phù hợp với khả năng chi trả quỹ BHYT, không cho phép chỉ định thanh toán với các chi phí rộng rãi; thông báo cập nhật các danh mục thuốc hỗ trợ cho quá trình đấu thầu thuốc; xây dựng phần mền đấu thầu thuốc; ban hành mã thuốc thống nhất chung toàn quốc… tăng cường giám định, giám sát giá, chỉ tiêu và tiệu thụ tại bệnh viện từ  khâu danh mục, lựa chọn thuốc, tham gia quá trình đấu thầu đảm bảo mục tiêu, chỉ định, cấp phát thuốc, thống kê chi phí thuốc BHYT.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh: trong cơ cấu chi BHYT ở Việt Nam, chi phí về thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong chi trả khám, chữa bệnh BHYT. Việc quản lý thuốc đóng vai trò quan trọng của trong thực hiện BHYT toàn dân và tính cấp thiết thực hiện tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra. Để nâng cao năng lực quản lý, thanh toán chi phí, chỉ tiêu và tiêu thụ thuốc BHYT tại bệnh viện Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: cần mở rộng đối tượng tham gia BHYT; tăng cường thực hiện BHYT toàn dân; cần công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu thuốc. Mặt khác, cần cải thiện việc kê đơn sử dụng thuốc, tránh lãng phí, trong đó có việc xây dựng những phác đồ có hướng dẫn làm căn cứ để thực thi và giám sát, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong từng bệnh viện sao cho lựa chọn, chỉ định thuốc với mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả hơn. Hoạt động giám sát giá, chi tiêu và tiêu thụ thuốc tại bệnh viên là cần thiết, giúp cơ quan BHXH đề xuất các giải pháp để quản lý hiệu quả việc sử dụng quỹ BHYT./.

Nguồn TC BHXH