Nghiệm thu Đề án Đánh giá chính sách BHYT và các giải pháp thực hiện lộ trình triển khai Luật BHYT

02/05/2013 09:51 AM


Ngày 26/04/2013, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu Đề án Đánh giá chính sách BHYT và các giải pháp thực hiện lộ trình triển khai Luật BHYT. TS. Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học chủ trì.


Đồng chí Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án nêu rõ: Mục tiêu của đề án nhằm đánh giá kết quả và tồn tại trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam; phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến việc mở rộng đối tượng, phát triển BHYT ở nước ta, từ đó đề xuất các giải pháp chủ yếu góp phần thực hiện thành công BHYT toàn dân.

Theo bản báo cáo tóm tắt nội dung nghiên cứu đề án: Nội dung nghiên cứu gồm 3 chương, trong đó nhóm tác giả khái quát tổng quan về BHYT và kinh nghiệm triển khai thực hiện BHYT toàn dân ở một số quốc gia. Đáng chú ý phần thực trạng quá trình triển khai BHYT ở Việt Nam trước và sau khi Luật BHYT ra đời: Tại Việt Nam, chính sách BHYT được ban hành cuối năm 1992 và chính thức thực hiện từ năm 1993. Qua gần hai thập kỷ, BHYT từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Số người tham gia BHYT không ngừng tăng lên, từ 5,6% dân số vào năm 1993 lên 66,15% dân số vào năm 2012. Người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT nên việc tiếp cận dịch vụ y tế của các đối tượng này đã được cải thiện rõ rệt. Quyền lợi trong khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT tiếp tục mở rộng. Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc khám, chữa bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Luật BHYT được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2008 đánh dấu một bước chuyển biến lớn, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện BHYT toàn dân, góp phần hình thành và phát triển hệ thống An sinh xã hội vững chắc ở nước ta. Phát triển BHYT toàn dân với mục tiêu từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện chia sẻ gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe giữa người khỏe mạnh với người ốm; người giàu với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua thì thực tế triển khai Luật BHYT còn khá nhiều những vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, đặc biệt là kế hoạch cụ thể để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Việc hoàn chỉnh, bổ sung Luật BHYT cũng là một trong những điều kiện rất cần thiết nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT cho giai đoạn trước mắt và lâu dài, đảm bảo cho Quỹ BHYT phát triển một cách bền vững, hiệu quả. Từ những khó khăn, tồn tại, nhóm tác giả đã đưa ra giải pháp, những đề xuất, kiến nghị để thực hiện Luật BHYT tại chương 3.

Đồng chí Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, Phản biện 1 nhận xét: Đề án rất cần thiết và có tính thực tiễn. Nghiên cứu đã tổng kết một cách hệ thống quá trình hình thành và phát triển của chính sách BHYT ở Việt Nam qua các giai đoạn, có phân tích ưu, nhược điểm và nguyên nhân đến việc điều chỉnh, thay đổi chính sách trong mỗi giai đoạn. Đồng thời nhóm tác giả đã tổng quan một số mô hình tài chính y tế và kinh nghiệm, bài học của một số nước trong quá trình thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân là phần tham khảo tốt, để liên hệ với thực tiễn và những thách thức đối với Việt Nam trên con đường thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, đồng chí  Phó Vụ trưởng cũng đặt vấn đề với nhóm tác giả: Báo cáo bàn luận và đề xuất cần tăng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các nhóm đối tượng. Đồng chí đặt câu hỏi, vậy nếu cứ tăng hỗ trợ thì ngân sách nhà nước có khả năng đáp ứng không? nếu hỗ trợ mà không bao phủ được toàn bộ các nhóm đối tượng thì có nên xem xét đến khả năng chuyển sang cơ chế thuế và ngân sách nhà nước cấp toàn bộ cho các nhóm dân số không có khả năng đóng như mô hình của nước Úc và Thái Lan.

TS.Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, Phản biện 2 đánh giá:  Đề án là cơ sở quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật BHYT trong thời gian tới và đặc biệt là thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương, Chủ tịch Hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Đồng chí nhận xét: Đề án đã làm rõ hơn cơ sở lý luận thực tiễn về quá trình thực hiện chính sách BHYT. Đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hiện chính sách BHYT có tính thực tiễn rất cao, đây là cơ sở để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật BHYT, là tài liệu giá trị để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Đề án đã được Hội đồng bỏ phiếu nhất trí đánh giá đạt loại Khá./.

Nguồn TC BHXH