Tăng cường các biện pháp giảm nợ

18/04/2013 09:53 AM


Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng tại cuộc họp giao ban tình hình thực hiện công tác tháng 3 và nhiệm vụ công tác tháng 4 ngày 10/4/2013. Cùng tham dự có các Phó Tổng Giám đốc: Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Đình Khương, Nguyễn Minh Thảo và Trưởng, phó các Ban nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu

Tổng số người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 03/2013 là 60.205.331 người, tăng 531.147 người so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Tham gia BHXH, BHYT bắt buộc: 10.383.951 người; Tham gia BHXH tự nguyện: 144.940 người; Chỉ tham gia BHYT: 49.676.440 người.

Toàn Ngành thu được 16.196,5 tỷ đồng, tăng 7.705,9 tỷ đồng (91%) so với tháng 2/2013, đạt 21,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Thu BHXH bắt buộc: 22.980,4 tỷ đồng; Thu BHXH tự nguyện: 117,6 tỷ đồng, Thu BHYT: 9.024,5 tỷ đồng; Thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT: 62,6  tỷ đồng. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cấp 10.827,4 tỷ đồng cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân và Ban Cơ yếu Chính phủ để chi BHXH, BHYT.

Toàn Ngành giải quyết 529.467 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 233.653 lượt người so với tháng 2/2013, trong đó: 25.512 người hưởng BHXH hàng tháng; 105.883 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 127.180 người hưởng chế độ BHTN; 1.263.491 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho 18.255.241 lượt bệnh nhân KCB BHYT, giảm 476.195 lượt người (2,5%) so với cùng kỳ năm 2012.

Số người được cấp sổ BHXH tính đến 31/3/2013 là 10.000.027 người, đạt 96,3% số người tham gia BHXH. Số thẻ BHYT đã phát hành còn giá trị sử dụng tính đến 31/3/2013 là 59.877.876 thẻ.

Số nợ tăng cao

Số nợ đến 31/3/2013 là  9.189,1 tỷ đồng, đã giảm 1.206,9 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 28/02/2013, nhưng vẫn chiếm 6,83% so với tổng số phải thu và tăng 1.173,1 tỷ đồng (14,6%) so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Nợ BHXH: 6.837,9 tỷ đồng; Nợ BHYT: 2.351,2 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ của một số địa phương có số thu lớn: Hà Nội 8,7%; TP Hồ Chí Minh 7,4%; Đà Nẵng 6,5%; Đồng Nai 6,4% và Bình Dương 5,7%. Có 28 BHXH tỉnh, thành phố tỷ lệ nợ so với số phải thu cao hơn tỷ lệ nợ chung toàn Ngành (6,83%), trong đó có 10 địa phương tỷ lệ nợ cao là: Bắc Kạn 17,4%; Hậu Giang 14,3%; Đắk Nông 13,6%; Ninh Thuận 13,4%; Bình Thuận 10,9%; Hòa Bình 10,3%; Thái Nguyên 9,1%; Quảng Ngãi 9%; Thừa Thiên - Huế 8,8%; Hà Nội 8,7%. Có 35 BHXH tỉnh, thành phố tỷ lệ nợ so với số phải thu thấp hơn tỷ lệ nợ chung toàn Ngành (dưới 6,83%), trong đó có 10 địa phương tỷ lệ nợ thấp là: Vĩnh Long 4,3%; Hà Tĩnh 3,9%; Hưng Yên 3,8%; Vĩnh Phúc 3,7%; Lào Cai 3,6%; Sóc Trăng 3,5%; Hải Dương 2,8%; Đồng Tháp 2,4%; Điện Biên 1,7% và Trà Vinh 1,6%.

Hoạt động của bảo hiểm xã hội các địa phương

Góp phần tích cực vào việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho UBND ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết; đồng thời, tiếp tục chủ động phối hợp tốt với các sở, ngành địa phương tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến người lao động; chuẩn bị tổ chức đấu thầu giá thuốc đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh cho cơ sở KCB BHYT; kiểm tra, rà soát đối tượng tham gia BHYT được ngân sách đóng, khắc phục việc cấp trùng thẻ BHYT,...

Trong tháng BHXH các tỉnh, thành phố có nhiều nỗ lực trong việc đôn đốc các đơn vị đóng BHXH, BHYT, kết quả thu đạt 21,9% so với kế hoạch giao. Có 40 địa phương có tỷ lệ thu cao hơn so với kế hoạch thu đến tháng 3/2013 (21,9%), trong đó 10 địa phương có tỷ lệ thu cao là: Trà Vinh 33,5%; Nam Định 27%; Sóc Trăng 27%; Hải Phòng 26,9%; Bến Tre 26,9%; Phú Yên 26,3%; Hà Tĩnh 26,1%; Nghệ An 25,6%; Bắc Ninh 25,4% và Kom Tum 25,3%. 23 địa phương có tỷ lệ thu thấp hơn so với kế hoạch thu đến tháng 3/2013 (dưới 21,9%), trong đó 10 địa phương có tỷ lệ thu thấp là: Bắc Kạn 12,7%; Bình Thuận 17,6%; Quảng Trị 18%; Ninh Thuận 18%; Thái Nguyên 20,1%; Tuyên Quang 20,2%; Đà Nẵng 20,3%; Bình Phước 20,3%; Ninh Bình 20,5% và Bình Định 20,8%.

Bên cạnh những nỗ lực của công tác thu, công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Một số địa phương đã chủ động tiến hành kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cấp sổ, thẻ tại BHXH cấp huyện; nhiều địa phương đã phối hợp với các sở ngành có liên quan thực hiện tổng kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT theo chỉ đạo của Ngành (Thái Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hải Dương,...).


Công tác giải quyết chính sách BHXH cho người lao động được các địa phương thực hiện đúng quy định, về cơ bản không để hồ sơ tồn đọng; nhiều địa phương đã triển khai điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH theo Thông tư số 01/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH làm căn cứ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo hướng dẫn tại Công văn số 751/BHXH-CSXH ngày 23/02/2013 của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, số người hưởng trợ cấp 1 lần và trợ cấp BHTN đều tăng nhanh do người lao động các tỉnh về nghỉ Tết kết hợp giải quyết trợ cấp 1 lần hoặc do nhiều doanh nghiệp giải thể, người lao động bị mất việc làm; việc tính lãi truy thu các đơn vị hành chính sự nghiệp do chậm điều chỉnh mức đóng và truy thu phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo gặp vướng măc.

Trong tháng 3/2013, nhiều địa phương đã kịp thời hướng dẫn BHXH cấp huyện và các cơ sở KCB BHYT thực hiện tính tổng chi phí đa tuyến ngoại tỉnh năm 2012; hướng dẫn thực hiện định dạng dữ liệu, mẫu biểu báo cáo KCB theo Thông tư số 178/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính; chủ động việc giám sát thực hiện KCB vượt tuyến, trái tuyến tại các cơ sở Y tế tư nhân có hợp đồng KCB BHYT, giám sát việc thực hiện biểu giá viện phí mới theo quyết định của UBND tỉnh và tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng KCB BHYT năm 2012 với các cơ sở KCB BHYT.

Sau khi nghe các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Lê Bạch Hồng kết luận phiên họp. Tổng giám đốc lưu ý, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng như BHXH các địa phương cần thực hiện tốt các quy định của văn bản pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ như: trích tiền từ tài khoản tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp để nộp số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh vào tài khoản của quỹ BHXH theo yêu cầu, đã được liên Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Thông tư hướng dẫn, thống nhất thực hiện. Tổng giám đốc yêu cầu: các địa phương cần chủ động hơn cả trong phối hợp, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan khác trong việc xử lý nợ BHXH, BHYT như các cơ quan thanh tra, ngân hàng… Các ban Nghiệp vụ khẩn trương chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với thanh tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; báo cáo với tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình nợ đọng của các đơn vị và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng này. Tổng giám đốc Lê Bạch Hồng nhấn mạnh: việc tăng cường các biện pháp giảm số nợ BHXH, BHYT sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong tháng 4/2013.

Tháng 4/2013, ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng Giám đốc chỉ đạo, các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW theo Kế hoạch số 47-KH/BCS ngày 03/4/2013 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam; Khẩn trương thực hiện việc thẩm định quyết toán tài chính năm 2012 theo đúng tiến độ, kế hoạch và quy định hiện hành; Khẩn trương triển khai các đề án, dự án trọng tâm năm 2013 đã được Tổng Giám đốc phê duyệt, đồng thời đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của Ngành…

Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo, tập trung giải quyết những vướng mắc trong thực hiện nghiệp vụ cho các địa phương như: những vướng mắc về các phần mềm nghiệp vụ, cấp trùng sổ BHXH, thẻ BHYT, hướng dẫn các địa phương thực hiện hoạt động đấu thầu thuốc năm 2013 theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC,…

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn