Hội nghị xin ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

21/06/2013 09:45 AM


Ngày 19/6/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị xin ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Phạm Lê Tuấn và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc; đại diện lãnh đạo UBND, Sở Y tế và BHXH một số tỉnh, thành phố, đại diện một số cơ sở y tế từ bệnh viện Trung ương đến trạm y tế xã.

 


Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo kết luận Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, sau 03 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam và đạt được những kết quả vô cùng quan trọng. Hệ thống văn bản pháp luật về BHYT tương đối đầy đủ, đồng bộ; tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng mở rộng với gần 67% dân số có thẻ BHYT; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được đảm bảo… tuy nhiên bên cạnh đó cũng bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Thực hiện Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Sau gần 01 năm tích cực triển khai, trên cơ sở khảo sát, đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Luật BHYT, kết hợp thu thập, phân tích và nghiên cứu thông tin, tư liệu, pháp luật liên quan đến BHYT của một số nước trên thế giới, Tổ Biên soạn đã hoàn thành việc xây dựng Dự thảo. Việc xây dựng Dự thảo được đảm bảo có đổi mới trên cơ sở kế thừa những quy định hiện hành về BHYT đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị xin ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý và trực tiếp tổ chức thực hiện Luật.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT của Việt Nam, đề tài Lộ trình đổi mới hướng tới BHYT toàn dân ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB) trên cơ sở đánh giá việc thực hiện BHYT ở Việt Nam và đề xuất các khuyến nghị hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như mở rộng phạm vi bao phủ; tăng mức bảo vệ tài chính và công bằng cho hệ thống; huy động nguồn lực một cách bền vững để tăng độ bao phủ; tổ chức, quản lý hệ thống BHYT... Trả lời câu hỏi, làm thế nào để tăng độ bao phủ BHYT, đặc biệt đối với nhóm cận nghèo và lao động không chính thức, từ sự phân tích thực tiễn, nhóm nghiên cứu đưa ra 05 khuyến nghị: tăng hỗ trợ từ ngân sách cho các nhóm cận nghèo và khối lao động không chính thức; có cơ chế giảm trừ mức đóng cho nhóm cận nghèo tham gia theo hộ gia đình, mệnh giá hấp dẫn cho người phụ thuộc lao động chính thức và chính sách ưu đãi thuế đối với chủ doanh nghiệp; có cơ chế bắt buộc tuân thủ tham gia ở những nhóm bắt buộc, đặc biệt là nhóm lao động chính thức; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về BHYT cho các nhóm đối tượng; nghiên cứu xây dựng chính sách BHYT linh hoạt cho những nhóm đối tượng nhập cư/di dân đang ngày càng tăng cao ở những thành phố lớn. Để nâng cao tính công bằng và bảo vệ tài chính của Quỹ BHYT, nhóm nghiên cứu đề xuất cần xác định gói quyền lợi phù hợp, tính chi phí cho gói quyền lợi đề đảm bảo gói quyền lợi được BHYT thanh toán đầy đủ; có cơ chế chặt chẽ để hạn chế kê thuốc và dịch vụ ngoài danh mục; củng cố chính sách đồng chi trả, bao gồm cả cơ chế giải quyết khiếu nại; có chính sách và hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện hỗ trợ các trường hợp chi phí thảm hoạ; định hướng cho bệnh nhân và bác sỹ tăng sử dụng thuốc gốc có giá hợp lý...

Thay mặt Tổ Biên tập Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, TS.Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế trình bày Dự thảo và những căn cứ để Tổ Biên tập đưa ra những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Để tăng nhanh diện bao phủ BHYT, đạt được lộ trình BHYT toàn dân, Tổ Biên tập đề nghị sửa đổi khoản 1, Điều 2 Luật BHYT theo hướng quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, ngoài ra Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn: Đề nghị bổ sung nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT, cùng với đó là sửa đổi mức đóng và phương thức đóng cho phù hợp; đề nghị sửa đổi các quy định về thời hạn sử dụng thẻ BHYT, cấp thẻ BHYT, mức hưởng BHYT, các quy định về thanh, quyết toán, tạm ứng chi phí khám, chữa bệnh BHYT...

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về những nội dung được đề cập trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tính khả thi và lường trước những vướng mắc để từ đó tham góp ý kiến với Tổ Biên soạn những ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện Dự thảo. Các đại biểu đến từ Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Thái Bình Dương và Ngân hàng thế giới với kinh nghiệm của chuyên gia về lĩnh vực BHYT trên thế giới cũng đóng góp nhiều ý kiến với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật BHYT của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể đạt được BHYT toàn dân nếu không có sự đồng thuận từ nhiều phía, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Để quản lý và sử dụng chi phí y tế hiệu quả thì việc đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong luật nhằm thiết lập xây dựng thể chế về năng lực, hiệu quả sử dụng dịch vụ và thuốc trong khám, chữa bệnh và xây dựng các gói quyền lợi hợp lý, phù hợp nhằm cân bằng giữa đóng và hưởng là hết sức cần thiết.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo khẳng định, những ý kiến thảo luận tại Hội nghị là hết sức cần thiết đối với Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYTnhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội./.

Nguồn TC BHXH