Tọa đàm về sửa đổi các quy định chế độ ngắn hạn trong Luật BHXH

30/05/2013 12:12 AM


Sáng ngày 28/05, Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ TB-XH tổ chức Tọa đàm Một số vấn đề về các chế độ ngắn hạn trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Đồng chí Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ TB – XH chủ trì buổi tọa đàm.

 


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Về phía BHXH Việt Nam, tham dự tọa đàm có đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Kiểm tra, Ban cấp Sổ, thẻ. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Khoa học Lao động – Xã hội, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH thành phố Hà Nội...

Về tình hình thực hiện chế độ ốm đau, thai sản giai đoạn 2007-2012, báo cáo do đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH, thuộc BHXH Việt Nam trình bày cho thấy: số lượt người hưởng chế độ ốm đau thai sản chiếm khoảng 52,55% số người tham gia BHXH; thời gian bình quân nghỉ ốm trên 1 lượt người là gần 6 ngày. Số tiền chi cho chế độ thai sản chiếm tỷ trọng lớn, 73,56% trong tổng số chi ốm đau thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và phí quản lý. Số tiền chi chế độ, ốm đau, thai sản, dưỡng sức bình quân năm trong 6 năm qua là 69% tổng số thu vào quỹ ốm đau, thai sản.

Cũng trong giai đoạn 2007-2012, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết cho 40.323 người hưởng chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; bình quân là 6.721 người/ năm. Số người hưởng trợ cấp hàng tháng là 14.758 người (bình quân 2.460 người/năm, chiếm 36,6% tổng số); số người hưởng trợ cấp một lần là 2.315 người (bình quân 385 người/năm). Tính tại thời điểm cuối năm 2012, BHXH Việt Nam đang quản lý và chi trả cho khoảng 46.000 người hưởng chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, với số tiền chi trả (cả một lần) là 430 tỷ đồng/năm, bằng 11% số thu vào quỹ năm 2012.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Tổ biên tập sửa đổi Luật BHXH đã trình bày một số nội dung dự kiến sửa đổi trong Luật BHXH về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Một số nội dung được sửa đổi bổ sung đáng chú ý như: bổ sung thêm đối tượng người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là đối tượng được hưởng chế độ ốm đau (sửa đổi Điều 21, Luật BHXH 2006); bổ sung thêm đối tượng là lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản (sửa đổi Điều 28, Luật BHXH 2006), thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 05 ngày kể từ ngày vợ sinh con, nghỉ 07 ngày trong trường hợp người vợ sinh con bằng phẫu thuật (sửa đổi Điều 31 Luật BHXH 2006); lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, trường hợp sinh đôi thì tính từ con thứ 02 trở lên sẽ được nghỉ thêm 01 tháng (sửa đổi Điều 31, Luật BHXH 2006). Bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp là học viên có hưởng sinh hoạt phí trong các trường quân đội nhân dân, công an nhân dân và cơ yếu, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương (sửa Điều 38, Luật BHXH 2006). Người lao động bị tai nạn lao động nhưng nguyên nhân tai nạn do bệnh lý, do mâu thuẫn cá nhân không liên quan đến nhiệm vụ lao động, do tự hủy hoại sức khỏe bản thân, do sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái với quy định tại pháp luật, do sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện khác trái với nội quy của người sử dụng lao động sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động (bổ sung Điều 39, Luật BHXH 2006); trợ cấp tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hàng tháng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế, thời điểm và mức điều chỉnh cụ thể do Chính phủ quy định (bổ sung Luật BHXH 2006). Bên cạnh đó các Điều 23, Điều 24 (quy định về chế độ ốm đau); Điều 30, Điều 32, Điều 34, Điều 35, Điều 36 (quy định chế độ thai sản); Điều 42, Điều 44, Điều 45 (quy định chế độ tai nạn lao động) cũng được sửa đổi bổ sung.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng phát biểu nhiều ý kiến bàn về một số hạn chế của quy định về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hiện nay. Nhiều đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất sửa đổi Luật BHXH liên quan đến các vấn đề như thủ tục thực hiện các chế độ ngắn hạn trong Luật BHXH, sự lồng ghép bình đẳng giới trong Luật BHXH…

Một số hạn chế trong việc thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp hiện nay được đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu ra tại buổi tọa đàm. Cụ thể như việc các đơn vị sử dụng lao động chậm trả trợ cấp ốm đau, thai sản cho người lao động; hạn chế trong việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động điều trị ngoại trú; một số doanh nghiệp có quy định lao động nữ đi khám thai phải xin phép nghỉ và thời gian nghỉ bị trừ vào tiền thưởng chuyên cần hàng tháng; lao động nữ nghỉ thai sản không được xét thi đua, khen thưởng. Về việc thực hiện chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cũng có một số vướng mắc như trường hợp người lao động không thể cung cấp được bản sao biên bản tai nạn giao thông (do không có cảnh sát giao thông lập biên bản khi xảy ra tai nạn); chưa có quy định trường hợp tai nạn giao thông xảy ra ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam, tai nạn giao thông đường thủy, đường không…Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân nếu kiến nghị việc sửa đổi Luật BHXH cần khắc phục những hạn chế nói trên.

Xuất phát từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Tiến sỹ Bùi Sỹ Tuấn, Viện Khoa học Lao động – Xã hội đưa ra một số khuyến nghị trong sửa đổi Luật BHXH như: mở rộng các chế độ ngắn hạn cho người lao động phi chính thức trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nhỏ; cần dành nguồn kinh phí thích đáng cho công tác tuyên truyền về tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, khen thưởng doanh nghiệp đảm bảo tốt an toàn lao động. Liên quan đến quy định về chế độ ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Tiến sỹ Bùi Sỹ Tuấn nêu kiến nghị: nên có quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu của người lao động để được hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; bổ sung một số trường hợp được hưởng chế độ thai sản như trường hợp chồng tham gia BHXH, còn vợ thì không, trường hợp phụ nữ sinh con khó, phải áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để sinh con…; xem xét quy định đóng BHXH đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh để được hưởng chế độ….

Bình luận về các nội dung sửa đổi trong Luật BHXH về chế độ độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tân, người tham dự tọa đàm với vai trò chuyên gia tư vấn đánh giá: Kết cấu số điều về các nội dung này cơ bản đã bao quát đầy đủ thực tế, có nhiều điểm mới tích cực như quy định cụ thể hơn và mở rộng hơn các đối tượng được hưởng các chế độ; thời gian hưởng các chế độ cũng được xây dựng hợp lý hơn tạo thuận lợi cho người lao động. Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tân cũng nêu ý kiến nên cân nhắc thêm một số quy định như giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa các đối tượng thụ hưởng khi điều kiện tham gia như nhau; linh hoạt hơn thời điểm lao động nam đang đóng BHXH nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con; cân nhắc điều chỉnh mức trợ cấp một lần với lao động nữ sinh đôi trở lên ; quy định lại về điều kiện và thời gian tối thiểu đối với trường hợp giám định lai mức suy giảm khả năng lao động được nêu tại Khoản 1, Điều 41 …

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Xuất phát từ góc nhìn lý luận và thực tiễn, từ kinh nghiệm quốc tế, những ý kiến đóng góp của các đại biểu thực sự đem lại nhiều thông tin cho Tổ biên tập sửa đổi Luật BHXH. Những ý kiến đóng góp này sẽ là cơ sở quan trọng để Tổ biên tập sửa đổi Luật BHXH tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Luật BHXH trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Trường Giang mong rằng các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và đóng góp thêm nhiều ý kiến hơn nữa để nội dung sửa đổi Luật BHXH được hoàn thiện một cách tốt nhất trước khi trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua.

Nguồn TC BHXH