Xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mới chỉ có 45,5% người dân có thẻ BHYT

14/03/2013 01:29 AM


Đó là con số được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát về BHYT của Quốc hội tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hoà, Thành phố Hà Nội. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các bộ Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cùng lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa.

Đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Phương Tú, báo cáo với Đoàn giám sát kết quả thực hiện chính sách BHYT tại xã Phương Tú (giai đoạn 2009 - 2012). Theo đó công tác tổ chức thực hiện chính sách, Luật BHYT tại xã được duy trì thực hiện đúng luật, đúng chế độ. Trạm y tế xã được đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu, máy ni tâm xét nghiệm máu, máy theo dõi tim thai, máy điện trâm…đảm bảo thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu. Công tác tuyên truyền chính sách BHYT được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh, phổ biến rộng đến nhân dân. Tuy nhiên, đến hết năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT tại xã Phương Tú mới chỉ đạt 45,5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước (66,7%); trong đó tỷ lệ BHYT học sinh đạt 20%; tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện đạt 6,3%.


Đồng chí Nguyễn Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Phương Tú, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, Luật BHYT tại xã Phương Tú

Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cũng báo cáo Đoàn Giám sát tình hình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Sau hơn 03 năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại huyện Ứng Hoà đạt 53,8%; tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT năm học 2012-2013 đạt 96,2%; tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện đạt 11%. Công tác khám chữa bệnh được đảm bảo với 29 cơ sở trạm y tế cấp xã, thị trấn; 2 phòng khám khu vực tương đương bệnh viện hạng 3; 01 bệnh viện đa khoa được nâng cấp lên hạng 2 (tương đương tuyến tỉnh, thành phố). Việc tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật BHYT được Ban Thường vụ huyện ủy chỉ đạo sát sao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo UBND xã Phương Tú, UBND huyện Ứng Hòa cũng nêu lên một số kiến nghị nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách BHYT trong thời gian tới: tăng mức đầu tư cho cơ sở vật chất tại trạm y tế xã; đề nghị UBND thành phố hỗ trợ thêm 30% kinh phí đóng BHYT với đối tượng thuộc hộ cận nghèo…


Toàn cảnh buổi làm việc

Sau khi lắng nghe báo cáo tình hình thực hiện chính sách, Luật BHYT tại xã Phương Tú, cũng như trên địa bàn huyện Ứng Hoà, các thành viên trong Đoàn giám sát yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh BHYT, vai trò quản lý của các cấp chính quyền; những khó khăn khách quan, chủ quan trong việc tuyên truyền thực hiện chính sách, Luật BHYT.

Đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, BHXH thành phố Hà Nội cũng phát biểu ý kiến đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHYT, Luật BHYT tại xã Phương Tú nói riêng, huyện Ứng Hoà nói chung. Biện pháp khắc phục những vướng mắc trong việc phân cấp quản lý, cung ứng thuốc BHYT cho các trạm y tế xã…cũng được đại diện các bộ, ngành trao đổi cụ thể.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Đoàn Giám sát ghi nhận kết quả xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Đồng chí Trương Thị Mai cũng chỉ rõ một số hạn chế mà lãnh đạo xã Phương Tú, lãnh đạo huyện Ứng Hoà cần khắc phục, trong đó phải chú trọng phát triển mạnh hơn tỷ lệ tham gia BHYT của đối tượng thuộc cận nghèo, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, riêng đối với xã Phương Tú, cần quan tâm đến việc phát triển BHYT đối với nhóm đối tượng học sinh. Việc thực hiện Luật BHYT cần có sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn của các cấp ủy chính quyền tại địa phương; việc tuyên truyền cần có cách làm thiết thực hơn, phù hợp với đặc điểm của một địa phương thuần nông./.

Nguồn TC BHXH