Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm và làm việc với BHXH Việt Nam

11/11/2013 01:25 AM


Tại trụ sở BHXH Việt Nam, số 7, Tràng Thi, Hà Nội, chiều ngày 6/11, Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm và làm việc với BHXH Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng cùng các Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng báo cáo Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình thu, nợ BHXH, BHYT của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, tính đến tháng 9/2013, số thu BHXH đạt 114.650 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch giao, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2012. Số người tham gia BHXH, BHYT đạt hơn 61,8 triệu người; trong đó tham gia BHXH bắt buộc là hơn 10,6 triệu người, tăng 4.2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 9/2013, số nợ BHXH, BHYT là 9.915 tỷ đồng, bằng 7,3% số phải thu, tăng 2.234 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nợ BHXH là 6.757 tỷ đồng; nợ BHTN là 589 tỷ đồng; nợ BHYT là 2.569 tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp nhà nước nợ 1.230 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 4.468 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân nợ 51 tỷ đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ 1.315 tỷ đồng.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc báo cáo Phó Thủ tướng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT nêu trên là do chế tài xử lý vi phạm trọng lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều hạn chế; mức xử phạt thấp, quy định lãi xuất chậm đóng thấp hơn lãi xuất ngân hàng; BHXH Việt Nam không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm. Bên cạnh đó, nhận thức của chủ sử dụng lao động và bản thân người lao động cũng hạn chế, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc danh. Một số đơn vị doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH, BHYT; nhiều người lao động cũng không am hiểu pháp luật, có tâm lý sợ mất việc làm, ngại đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình được quy định trong Luật BHXH, BHYT. Công tác phối hợp thực hiện thanh, kiểm tra cũng chưa chặt chẽ và chưa được thường xuyên; tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản xuất khó khăn hoặc giải thể phá sản không có khả năng đóng BHXH, BHYT.

Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, BHYT khắc phục những điểm chưa phù hợp, tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Kiến nghị Chính phủ giao chức năng thanh tra, xử lý vi phạm cho ngành BHXH. Tổng Giám đốc Lê Bạch Hồng mong muốn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò trong xây dựng, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; tăng cường giám sát cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Kiến nghị các bộ, ngành phối hợp với cơ quan BHXH chia sẻ thông tin liên quan đến quản lý doanh nghiệp khi thành lập, khi hoạt động và khai báo thuế hằng năm; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn trong các đơn vị sử dụng lao động tích cực phổ biến pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật, nhất là việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động; các tổ chức chính trị xã hội các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các hình thức tuyên truyền, vận động giám sát phù hợp để người lao động và nhân dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công tác chuẩn bị và nội dung báo cáo của BHXH Việt Nam. Phó Thủ tướng gợi mở thêm các vấn đề liên quan để các đại biểu tham dự  thảo luận, để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cùng BHXH Việt Nam thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu ý tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương chia sẻ với khó khăn trong công tác thu và thu nợ BHXH, đồng thuận với những đề xuất, kiến nghị của BHXH Việt Nam và đều nhất trí cho rằng, cần phải tăng mức xử phạt hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, giao chức năng thanh tra, xử phạt cho ngành BHXH; khẩn trương sửa đổi Luật BHXH, BHYT, các bộ Luật liên quan như Luật Thanh tra, Luật Hình sự. Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, mở rộng diện bao phủ BHXH cần sự phối hợp tích cực hơn giữa các cơ quan tổ chức đoàn thể. Sự tham gia, phối hợp của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các bộ, ngành hữu quan trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cần phải được tăng cường hơn.


Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam  phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng ý với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của BHXH Việt Nam cũng như ý kiến tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương. Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian trước mắt BHXH Việt Nam và các bộ, ngành chủ động, tích cực hơn, đóng góp vào quá trình sửa Luật BHYT, Luật BHXH để khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tính khả thi và sự nghiêm minh của pháp luật; đồng thời tham gia đóng góp tích cực sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật BHXH, BHYT, bảo đảm an sinh xã hội. Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường sự phối hợp thực hiện giữa BHXH Việt Nam với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT đối với người lao động; phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng chương trình thanh tra liên ngành thu, nợ BHXH, BHYT. Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong quý I/2014 BHXH Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, banh hành quy chế phối hợp; phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia về vấn đề thực tiễn thu, giảm nợ BHXH, BHYT, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới; từ kết quả hội thảo xây dựng báo cáo tổng quan về tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đưa Nghị quyết số 21 của Đảng đi vào cuộc sống./.

Nguồn TC BHXH