Nợ đọng BHXH tại Đà Nẵng: Chính yếu là làm sao để DN cùng vực dậy

01/11/2013 12:48 AM


Năm 2013, thời gian cộng số tiền nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp (DN) tại Tp.Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều DN bị các đơn vị BHXH kiện ra tòa, chấp hành án xong, lại tiếp tục nợ với số tiền lớn hơn gấp nhiều lần so với lần nợ trước đó. Tuy nhiên, BHXH TP cho rằng, nếu chỉ lo “đè đầu thu” thì xem ra không ổn.

 


Đoàn kiểm tra liên ngành BHXH Q.Hải Châu làm việc với đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn

Cơ quan thu “đau đầu”

Ông Văn Phú Long - Trưởng phòng Thu BHXH Tp.Đà Nẵng - cho biết, tính đến ngày 30/9/2013, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT (bao gồm cả BH thất nghiệp) trên địa bàn là 140 tỉ dồng. Riêng nợ đọng từ 3 tháng trở lên là gần 82 tỉ đồng (chiếm 58,6% tổng nợ).

Số DN nợ đọng BHXH lớn, kéo dài, buộc BHXH TP phải kiện ra tòa cũng gia tăng đáng kể. Nếu năm 2012, khởi kiện 28 DN thì 9 tháng đầu năm 2013 khởi kiện đến 46 DN.

Tuy nhiên, nhiều DN sau khi BHXH TP khởi kiện ra tòa, thi hành án xong, vẫn tiếp tục nợ. Điển hình như Công ty CP Lilama, bị khởi kiện tháng 4/2009 với số tiền nợ hơn 1,2 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn tiếp tục nợ với số tiền lớn hơn gấp đôi: Gần 3 tỉ đồng.

Việc này kéo theo nhiều DN đồng loạt cắt giảm lao động (LĐ) để giảm số tiền đóng BHXH. Điển hình, tại thời điểm tháng 6/2012, Cty CP Tư vấn Xây dựng 533 có 107 LĐ làm việc tại Cty thì đến đầu tháng 9/2013 cắt giảm còn 88 LĐ… Nguyên nhân “quen thuộc” được các DN đưa ra là do kinh tế khó khăn, làm ăn không sinh lãi, hàng hóa không tiêu thụ được…

“Do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng LĐ còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài quốc doanh, do vậy việc chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra. Bộ phận khác cố tình không đóng hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn” - ông Long cho biết.

Làm sao để DN cùng vực dậy?

Theo thống kê, 6 tháng đầu 2013, Đà Nẵng có hơn 1.000 DN phải phá sản, giải thể, 1.000 DN khác hoạt động kiểu “tiến không được, lùi chẳng xong”.

Ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH TP - cho rằng, trong thời điểm kinh tế vẫn còn đang khó khăn mà chỉ tính chuyện “đè đầu thu” thì xem ra không ổn.

“Nhiều DN khi chúng tôi tiến hành thu BHXH thì chỉ biết đưa… “lưng trần”. Bởi thế, vấn đề chính yếu hiện nay là chúng ta xử lý làm sao mà khơi dậy được sự sống của những DN đó” - ông Hiệp nói.

Ông Hiệp đặt vấn đề: “Các cơ quan thuế thu tốt là nhờ có chức năng thanh tra, xử phạt. Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, chứ không có chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT. Vậy nên, tính răn đe đối với những DN cố tình chây ỳ đóng BHXH vẫn còn hạn chế”.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, hưởng chế độ tuất nên cho đối tượng tự chọn giữa tuất hàng tháng và tuất một lần; cho phép giải quyết chế độ một lần ngay sau khi chấm dứt hợp đồng nếu NLĐ có nhu cầu.

Ông Trương Ngọc Hùng - Trưởng ban Chính sách - pháp luật LĐLĐ TP-  cho biết, hằng năm LĐLĐ TP đều phối hợp với Sở LĐTBXH, BHXH TP thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tình hình đóng BH cho NLĐ. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, nhiều DN không thực hiện đóng BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là các chế độ ngắn hạn như thai sản, ốm đau, trợ cấp thất nghiệp…

“Ngoài việc các cấp CĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH cho NSDLĐ và NLĐ, theo tôi, Tổng LĐLĐVN nên tham gia cùng Chính phủ cân đối nguồn vốn, có chính sách hỗ trợ những DN phá sản, ngừng hoạt động đóng BHXH cho NLĐ” - ông Hùng kiến nghị.

Nguồn: laodong.com.vn