Nghiệm thu Đề tài thực trạng, giải pháp phòng chống lạm dụng Quỹ BHTN

25/01/2013 03:34 AM


Ngày 23/01/2013, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu Đề tài “Thực trạng, giải pháp phòng chống lạm dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại tỉnh Bình Dương”. TS. Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học chủ trì.


Hình ảnh tại buổi nghiệm thu.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm Đề tài, đồng chí Lê Minh Lý, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương báo cáo tóm tắt nội dung của Đề tài. Theo đó, qua 3 năm thực hiện, chính sách BHTN đã được sự đồng tình, ủng hộ của người lao động, chủ sử dụng lao động; góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội tại tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, bất cập tác động đến đời sống của người lao động. Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHTN, tình trạng lạm dụng Quỹ BHTN ngày càng tăng.

Từ thực trạng trên, tỉnh Bình Dương nghiên cứu Đề tài “Thực trạng, giải pháp phòng chống lạm dụng Quỹ BHTN tại tỉnh Bình Dương”. Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu thực trạng tình hình lạm dụng Quỹ BHTN nhằm khuyến nghị các giải pháp phòng, chống tình trạng lạm dụng Quỹ BHTN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trên cơ sở phân tích về tình trạng lao động thất nghiệp từ năm 2009 đến năm 2011 tại tỉnh Bình Dương cho thấy, tỷ lệ lao động thất nghiệp chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 65,1% năm 2009 lên 69,6% năm 2011. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra khảo sát 400 người thất nghiệp từng làm việc tại Bình Dương và 100 phiếu điều tra khảo sát chủ sử dụng lao động, cơ quan BHXH, Trung tâm giới thiệu việc làm và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội… Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, số người thất nghiệp chủ yếu ở độ tuổi 18-30 chiếm 45,5% và có trình độ học vấn thấp (gần 70% có trình độ từ trung học phổ thông trở xuống). Nguyên nhân thất nghiệp chính là do tay nghề thấp chiếm 49,5%; do công việc không ổn định và thu nhập thấp là 22,5%  và do vi phạm kỷ luật lao động chỉ có 0,5%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ luôn cao hơn so với nam giới. Trong khi đó, có 81,8% người lao động trong 400 người được hỏi đang hưởng BHTN cho rằng không tìm được việc thông qua Trung tâm giới thiệu việc làm, mà họ chủ yếu tìm việc làm thông qua bạn bè, người thân. Đáng chú ý, hình thức lạm dụng Quỹ BHTN chủ yếu là do người lao động tự ý chấm dứt hợp đồng lao động và sang nơi khác làm việc nhưng vẫn hưởng BHTN. Qua phỏng vấn ý kiến lãnh đạo của các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh, nhóm tác giả đã tổng hợp và đưa ra 03 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến lạm dụng Quỹ BHTN là do chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, do tổ chức thực hiện phối hợp chưa đồng bộ…

Từ đó nhóm nghiên cứu đã đưa ra những nhóm giải pháp và khuyến nghị phòng, chống lạm dụng Quỹ BHTN tại Bình Dương là: hoàn thiện và đề xuất sửa đổi Luật BHXH… giao BHXH Việt Nam chức năng thanh tra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiên quyết xử lý các đơn vị cố tình chây ỳ, nợ đọng; giao Ngành BHXH không chỉ thu, chi mà còn tiếp nhận đăng ký thất nghiệp và giải quyết chế độ BHTN…

TS. Phạm Đình Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học, BHXH Việt Nam, Ủy viên nhận xét 1 đánh giá: Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài một cách công phu, nghiêm túc. Đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra với nhiều đề xuất có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cao, nhất là trong giai đoạn đang chuẩn bị các luận cứ lý luận và thực tiễn cho việc bổ sung, sửa đổi Luật BHXH.

Đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, Ủy viên nhận xét 2 đánh giá cao nghiên cứu của nhóm tác giả. Đồng thời đồng chí cũng chỉ ra một số nội dung cần bổ sung như dữ liệu tình trạng lạm dụng Quỹ BHTN tại tỉnh Bình Dương chưa nêu cụ thể; về nguyên nhân dẫn đến lạm dụng Quỹ BHTN, cần phân tích sâu hơn để làm căn cứ đề xuất giải pháp phòng, chống lạm dụng Quỹ BHTN… Đề tài chưa đề cập đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan khác trong tổ chức thực hiện BHTN.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, TS. Đỗ Thị Xuân Phương, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, về cơ bản Đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra.

Những kết quả nghiên cứu, đề xuất, khuyến nghị, giải pháp của Đề tài mang giá trị thực tiễn hết sức quan trọng. Đồng chí cũng yêu cầu Ban soạn thảo Đề tài tiếp thu các ý kiến phản biện để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Đề tài. Bên cạnh đó đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Đề tài cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về thực trạng và giải pháp phòng chống lạm dụng Quỹ BHTN; cần nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin giữa Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Ngành BHXH để có cơ sở dữ liệu chung, thống nhất…

Đề tài đã được Hội đồng bỏ phiếu nhất trí đánh giá đạt loại Khá./.

Nguồn TC BHXH